Bà mẹ Việt ở Nga tự cứu mình khỏi trầm cảm sau sinh bằng một câu “thần chú’

Hành trình một mình chống lại trầm cảm sau sinh của chị Nguyễn Thị Hoài Phương, hiện sống tại thành phố Ufa, Nga, từng khiến nhiều người bất ngờ khi được tiết lộ vào tháng 4/2015. Giờ, câu chuyện ấy được chia sẻ lại trên mạng xã hội như một cách giúp các chị em sắp hoặc mới làm mẹ biết tự vượt qua những thay đổi về tâm lý sau sinh nở.

Chuyện xảy ra cách đây vài năm, khi chị Phương sinh bé thứ hai, lúc 32 tuổi. 9 tháng mang bầu khỏe mạnh, chị tự tay chuẩn bị hết cho việc sinh nở một mình ở Hà Nội, vì đã đưa con trai lớn sang Nga với bố. Chị quay về Hà Nội để sinh bé thứ hai do chưa chuẩn bị xong thủ tục sống hợp pháp tại Nga. Chị sinh bằng phương pháp mổ đẻ, vì lần đầu cũng phải sinh nở bằng phương pháp đó, nên hoàn toàn chủ động.

1

Cuộc sinh nở thuận lợi, vì là lần thứ hai nên việc chăm sóc con với chị không gặp trở ngại gì. Chồng vắng nhà, nhưng chị Phương được mẹ đẻ đến giúp, nên không vất vả, em bé ngoan. Chị không kiêng khem gì trong việc ăn uống, sinh hoạt do dặn dò cùng cách hướng dẫn chăm sóc sản phụ và em bé của bố chồng, nguyên là bác sĩ quân y, từ lần sinh bé đầu. Con 7 ngày tuổi, hai mẹ con đã ra sân chơi, đi dạo và em bé ngủ ngoài trời hàng ngày.

Chuyện bắt đầu sau khi sinh bé được khoảng một tháng. Chị bắt đầu khó chịu khi con khóc, đặc biệt bực bội và tức giận lúc cho con bú. Chị Phương cảm thấy đầu nóng bừng bừng, giận ngùn ngụt, và cường độ càng tăng cao khi con ngậm vào ti mẹ và mút. Điều này khác hẳn với cảm giác yêu thương, gắn bó, xúc động, hạnh phúc khi chị sinh bé đầu.

Chị bắt đầu để ý, và ngạc nhiên khi ngẫm lại mình không có cảm giác gắn bó với con, không có sự vui vẻ, hạnh phúc khi ngắm nhìn bé mà thấy con vô cùng lạ lẫm. Chị ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình lại có một đứa bé như thế này trong nhà? Tại sao lại tạo ra được nó? Chị vẫn chăm sóc con chu đáo, nhưng không có cảm xúc yêu thương của tình mẫu tử thông thường, mà làm như một cái máy: giờ bú thì cho con bú, tắm thì cho tắm, tã bẩn thì thay… Cảm giác xa lạ trong chị dần trở thành sự ghét bỏ con.

Người ngoài nhìn vào, chị không hề có biểu hiện gì lạ. Chị ăn, ngủ đủ, cười nói vui vẻ, có bạn bè, chủ động trong cách chăm sóc con và làm tốt việc đó. Chị quan tâm đến tinh thần mình khi thấy cảm xúc với con không thay đổi tốt hơn.

2

Theo chị Phương, thời điểm ấy, chị cũng tâm sự với mẹ là ghét em bé và kể cho bà nghe về những tưởng tượng đáng sợ. Mẹ chị nghe xong liền mắng “vớ vẩn”. Từ đó, bà mẹ hai con biết phải chiến đấu một mình. Chị xác định mức độ bệnh của mình, chưa nặng – bởi vẫn kiểm soát được suy nghĩ và hành động. Bằng những thông tin tự tích lũy được về các vấn đề sau sinh từ sách, báo hay nghiên cứu đã xem từ trước, chị tự nhủ: “Mình không sợ hãi, sẽ đối mặt để chiến đấu”. Và chị chiến đấu.

Chị Phương bắt đầu bằng suy nghĩ: “Mình bị bệnh, bệnh trầm cảm sau sinh, chỉ là bệnh tâm lý thuộc dạng sinh lý, và nó sẽ hết nếu biết cách vượt qua, và mình sẽ làm được. Mình yêu con, không muốn làm đau con, không muốn hại con. Mình không ghét con, mà sẽ yêu con như bình thường khi hết bệnh”. Mỗi khi khao khát làm đau con hay làm hại đến con trỗi dậy, bên kia bán cầu não của chị lại đọc thần chú: “Mình bị bệnh, bệnh trầm cảm sau sinh, chỉ là bệnh tâm lý thuộc dạng sinh lý, và nó sẽ hết nếu mình biết cách vượt qua…”. Những khi trân trối nhìn con khóc với tâm trạng đầy căm hờn, chị chợt bừng tỉnh và vỗ về: “Mẹ xin lỗi con, mẹ không được khỏe. Mẹ ở đây, mẹ vẫn luôn yêu con. Con yên tâm nhé, rồi mẹ sẽ khỏe”.

Cùng với việc tự kỷ ám thị để áp chế những khao khát, cảm xúc đen tối trong đầu, chị sắp xếp lịch sinh hoạt. Hẹn hò với bạn bè nhiều hơn. Những hôm bà ngoại ở lại giúp, chị gửi con cho bà trông để đi chơi một mình với bạn. Chị ngồi cà phê buôn chuyện; rủ bạn đi ăn những món ưa thích; dạo loanh quanh, thậm chí đi chợ đêm, ăn lẩu riêu cua vỉa hè, ăn ốc, xoài xanh dầm nước mắm ớt… Khi bà về, nhà chỉ còn hai mẹ con, chị lại địu bé đi cùng, mang theo tã, quần áo, vật dụng thay thế. Có khi, hai mẹ con chơi cả ngày ngoài đường chiều tối mới về tắm giặt. Giáp Tết, khi con được hơn ba tháng tuổi, mẹ con chị về quê với ông bà ngoại và ở đó tháng rưỡi.

Nhờ bài tự kỷ ám thị này, chị Phương vượt qua gần 4 tháng đen tối để trở lại bình thường. Sự trở lại nhẹ nhàng, êm ái, gần như tự bản thân chị không nhận ra, chỉ đến khi tự thấy mình nhớ con quá, yêu con quá, gắn bó con quá. Gia đình, người thân của chị Phương không ai hay biết chị đã phải một mình “chiến đấu” với trầm cảm ra sao.

Chị Phương cho hay, với trường hợp của chị, nguyên nhân gây ra hội chứng trầm cảm sau sinh là do: Đi đẻ một mình vì chồng và con lớn ở Nga; quá lo lắng cho con trai lớn khi bé xa mẹ trong lúc vừa sang Nga, lại không biết tiếng; không chia sẻ được với ai khi tâm lý bắt đầu bất ổn định.

“Tôi may mắn khi vượt qua thời gian đó. May mắn hơn cho tôi, khi tự mình có tạm đủ thông tin về những vấn đề có thể phát sinh sau khi sinh nở để đủ vững vàng, đủ tinh thần và kiến thức vượt qua”, chị Phương tâm sự. “Tôi cũng may khi chỉ bị trầm cảm ở thể rất nhẹ nên mới tự vượt qua được. Tôi nghĩ, giá như mình là một người khác, không được trang bị kiến thức mang thai, sinh nở và chăm sóc em bé, chăm sóc sức khỏe sau sinh, chắc chắn khó qua được”.

Hiện tại, chị Phương có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc cùng chồng và hai con ở Nga. Chị hy vọng trải nghiệm của bản thân sẽ giúp ích cho các mẹ bỉm sữa, chồng và những người thân xung quanh họ.

Theo Ngôi Sao

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN