Duyên lạ ở Slovakia

Trước khi tôi sang châu Âu, Nguyễn Đắc Hạnh, doanh nhân kinh doanh đồ gỗ, từng du học và làm việc hai mươi năm ở Slovakia khuyên tôi nên đến vùng núi Tatras, phía bắc của nước này.

Anh làm tôi khá tò mò, tại sao một vùng núi xứ người, lại có thể làm cho một doanh nhân, suốt ngày tháng bấn lên vì tiền như anh luôn nhớ nhung và mong ước được trở lại như thế.

Duyên lạ ở Slovakia
                                                                        Vùng núi Tatras.

Từ Czech, chúng tôi dùng ô tô nhà vượt qua biên giới để đến Slovakia. Đi chừng 600 cây số, vượt qua những thành phố hiện đại, những ngôi làng, thị trấn ẩn trong rừng ngút ngàn xanh, chúng tôi đến với vùng núi Tatras nổi tiếng. Và tôi đã được đứng ngẩn ngơ ngắm đỉnh Krivan mây trắng bao phủ, đây được coi là biểu tượng của Sovakia. Sừng sững trên núi cao là cầu trượt tuyết, khách sạn với kiến trúc độc đáo, tuyệt đẹp, các khu luyện tập, giải trí dành cho VĐV trượt tuyết chuyên nghiệp sinh sống, luyện tập và thi đấu. Cũng chỉ trong một ngày ở lại vùng núi Tatras mà tôi đã làm quen với bốn người bạn mới là cư dân nơi thung lũng dưới chân núi. Họ đều là những nghệ nhân, nữ văn sĩ „Chúng tôi yêu nơi này và vùng núi Tatras là nguồn cảm hứng sống, làm việc của chúng tôi“.  Họ đã nói vậy. Vẻ đẹp thần tiên của núi đã gắn chặt họ lại, khiến cả đời họ làm việc, sáng tác ngợi ca vẻ đẹp của núi. Và núi cũng tạo cho họ cuộc sống đẹp thanh bình.

Duyên lạ ở Slovakia
                                                         Ba nghệ nhân làm đồ trang sức.

Ba người bạn đầu tiên mà tôi làm quen là ba nghệ nhân làm đồ trang sức hand-made dưới chân núi. Anna Budacova từng học nghề thiết kế nội thất, cô cũng đi làm nghề được vài năm, nhưng sau đó say mê vẻ đẹp của vùng núi Tatras, cô nảy ý định mở một cửa hàng bán đồ trang sức tự chế dưới chân núi. Như vậy, hàng ngày cô được ở bên những ngọn núi mình yêu thích, lại được sáng tạo những mẫu  trang sức tùy theo cảm hứng của cô. Sau đó, nhờ trực tiếp bán hàng, cô lại được gặp gỡ với các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới đến thưởng lãm vẻ đẹp của vùng núi Tatras, hoặc các VĐV nổi tiếng đến thi đấu trượt tuyết. Với cô cuộc sống như thế thật chẳng khác nào trong mơ. Sự tự do và phóng khoáng  của cuộc sống ấy hiển hiện trong những món trang sức do cô tự sáng chế và làm hàng ngày ngay dưới chân núi. Còn Kovací Strbké là một chàng trai rất thân thiện và vui vẻ, anh hào hứng chia sẻ rằng mình đã có công việc kinh doanh nhỏ về đồ trang sức hand-made dưới chân núi Tatras này từ năm 2006. Trước đó anh đã có 5 năm làm nghề xây dựng và đi nhiều nơi. Đến khi đặt chân tới vùng núi Tatras thì anh cảm thấy đã gặp giấc mơ của mình. Anh cùng người bạn của mình là Huspací Osík nhập vào nhóm cùng Anna trong doanh nghiệp nhỏ chế tác đồ trang sức và bán trực tiếp ở đây. Núi cho anh những kiến thức không bao giờ vơi cạn, và anh cùng các bạn mình dùng kiến thức đó để sáng tạo những mẫu mã trang sức mới lạ mà vẫn mang phong cách đặc trưng của vùng núi Tatras. Đó là hình ảnh của hoa cỏ, của lá rừng, của cây trái tuyệt đẹp, của thú rừng hoang dã nơi đây. Kovací cho rằng, trong thời đại mọi thứ đều được sản xuất công nghiệp này, thì những đồ mỹ nghệ làm tay sẽ càng trở nên xa xỉ. Con người sẽ ngày càng trân trọng những đồ làm bằng tay hơn. Không chỉ là món đồ, nó mang cảm xúc, tinh thần, tình cảm của người nghệ sĩ sáng tạo ra nó lúc bấy giờ, và điều này là không lặp lại. Giá trị của đồ hand-made là ở đó. Đồ trang sức của nhóm ba người bạn được làm từ những nguyên liệu đa dạng, như đồng, bạc, gỗ, đá, da thuộc, thủy tinh, thép uốn, sứ,… và thậm chí là các loại này có thể kết hợp nhuần nhuyễn hoặc ngẫu hứng để tạo nên những vẻ đẹp độc đáo. Nhiều khách hàng đến đây du lịch, nhưng mê mẩn đồ trang sức của ba nghệ nhân này, đã đặt họ làm thêm những món trang sức khác,và để có cớ trở lại với vùng núi Tatras. Huspací Osík thì ít nói hơn, anh học nghề rừng, rồi lại làm đồ trang sức gắn với núi rừng, như thế cũng là một ngả rẽ phát triển khác của nghề rừng. Trong lúc Huspací Osík nói chuyện với tôi thì Kovací đã hí húi chế tác một cái đeo chìa khóa gắn chuông nhỏ màu xanh và trái tim đỏ, cùng vòng đồng may mắn khắc ngày tôi đặt chân lên vùng núi Tatras. Nhận tặng phẩm này từ tay người bạn mới ở Slovakia, tôi cứ rưng rưng mãi. Tình người tận nơi xa này sao ấm vậy.

Duyên lạ ở Slovakia
                                              Nữ nhà thơ Viera Fridrichova và tác giả Kiều Bích Hợp.

Người bạn thứ tư của tôi ở vùng núi Tatras lại vô cùng đặc biệt. Không hiểu làm sao mà bà lại bắt sóng được từ một phụ nữ châu Á nhỏ bé là tôi và hỏi liệu tôi có phải là văn sĩ không. Thấy tôi mê mải ngước lên ngắm đỉnh Krivan, bà chủ động lại gần và tự giới thiệu, bà là một nhà thơ của vùng núi này, và rất muốn tặng cho tôi một tác phẩm của bà, tác phẩm đặc trưng nhất, lấy cảm hứng sáng tác từ Tatras. Đó là nữ nhà thơ Viera Fridrichova. Bà là nữ giáo viêc dạy tiếng Nga và tiếng Slovakia ở trường trung học, thơ là cách bà thể hiện tình yêu của mình với Tatras, và muốn nhiều người trên trái đất này được biết đến và cảm nhận vẻ đẹp thần tiên của phong cảnh nơi đây, sự hùng vĩ của núi, vẻ kỳ bí của rừng… Tập thơ về Tatras mà Viera Fridrichova tặng cho tôi được in rất đẹp, với trang trí là những bức tranh của một số họa sĩ nơi đây. Sách được in 4 màu, đáng để cho ta không chỉ đọc, tưởng tượng, mà còn ngắm nghía và ước mơ.  Viera Fridrichova nói bà đang tìm một dịch giả để dịch cuốn thơ này sang tiếng Anh, giới thiệu cho nhiều độc giả hơn cảm nhận về vùng núi Tatras thân yêu của bà.

Duyên lạ ở Slovakia
                                                                                 Đỉnh Krivan

Tôi thì chẳng mang gì theo để tặng lại những người bạn xứ Slovakia xa xôi mà đáng yêu này vì đâu có ngờ kỳ duyên đến với tôi khi lần đầu tìm đến. Những người bạn mới đã bằng một cách thật đặc biệt, truyền cho tôi tình yêu với vùng núi Tatras, thật thân thương mà ấm áp. Và giờ tôi cũng hiểu, tại sao anh bạn tôi lại nhớ da diết nơi này đến thế, từng đỉnh núi ngọn cây, cho dù anh đã rời nơi này tới gần ba thập kỷ.

 

KBH (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN