“Vành đai và Con đường” đe dọa động vật hoang dã Đông Nam Á

Dự án trị giá hàng nghìn tỷ USD của Bắc Kinh để kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi dự kiến ​​sẽ cắt qua những khu rừng rộng lớn và đi sát hàng chục điểm nóng đa dạng sinh học, làm dấy lên mối lo ngại hủy hoại sinh cảnh và tuyệt chủng động vật hoang dã.

Sáng kiến ​​này liên quan tới hơn 7.000 dự án ở 72 quốc gia khắp châu Á, châu Phi và châu Âu, trong đó có tới hàng trăm tuyến đường bộ và đường sắt được xây dựng.

Tuy nhiên, nghiên cứu tiết lộ có đến 60% đa dạng sinh học trên khắp ba châu lục có thể bị thiệt hại với các tác động từ phân mảnh rừng cho đến phá hủy hoàn toàn.

Ảnh: Chaiwat Subprasom/Reuters
Ảnh: Chaiwat Subprasom/Reuters

Tiến sĩ Alice Hughes thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu toàn diện đầu tiên về tác động môi trường từ sáng kiến, lập bản đồ nơi các dự án được lên kế hoạch và trùng lặp với các điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng như thế nào.

“Bạn đi bất cứ đâu trong khu vực này cũng có những vấn đề tiềm ẩn đối với động vật hoang dã, cả từ khai thác trực tiếp và việc làm tăng khả năng xảy ra tai nạn – có thể là tai nạn giao thông hoặc đẩy chúng di chuyển vào các khu vực mà chúng không nên đến”.

Đáng quan tâm đặc biệt là các điểm nóng ở Đông Nam Á – từng là nơi cư ngụ của nhiều loài không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới nhưng đang trong tình trạng nguy cấp và bị đe dọa.

Cũng có những lo ngại cho Bắc và Trung Á, nơi tự hào về những hệ sinh thái không mấy bị ảnh hưởng từ con người. Sẽ có những tuyến đường được xây dựng ở những khu vực trước kia có rất ít tuyến đường. Nhiều loài đã di cư trong hàng ngàn năm theo cùng một tuyến đường. Nếu đột nhiên bạn đặt một con đường đi qua chính giữa, tuyến di cư đó không thể được sử dụng nữa”, Tiến sĩ Hughes chỉ rõ.

“Đường đi đâu, người theo đó”

Ngoài các tác động trực tiếp như khai thác gỗ để làm đường bộ và đường sắt, bất kỳ dự án phát triển nào cũng đưa tới nhiều người hơn, tạo điều kiện cho các giao dịch bất hợp pháp như săn trộm.

Cảnh sát trưởng Kunlabon Ponlawa quản lý một đội kiểm lâm tuần tra rừng ở phía đông Thái Lan, bảo vệ rừng và động vật khỏi những kẻ săn trộm ở địa phương nhưng cũng là những kẻ buôn người Campuchia qua biên giới.

Những kẻ buôn lậu săn lùng những loài quý hiếm và nguy cấp như hổ Đông Dương và gỗ trắc – một loại cây được bán với giá hàng chục nghìn USD ở Trung Quốc.

Khu rừng đã có hai con đường cao tốc cắt qua, dự kiến ​​sẽ kết nối vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

“Đường đi đâu, người theo đó,” Kunlabon Ponlawa nói.

Kiểm lâm tuần tra rừng (Ảnh: Kathryn Diss/ABC News:)
Kiểm lâm tuần tra rừng (Ảnh: Kathryn Diss/ABC News:)

Đội kiểm lâm của anh tuần rừng trong lặng lẽ, mang theo súng trường tấn công HK33 và các loại súng khác để tự bảo vệ mình trước những kẻ săn trộm vốn có thể được trang bị bất cứ thứ gì từ vũ khí tự chế cho đến AK47.

Họ tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy có người đã ở đó, từ hộp thức ăn, chai lọ, tàn thuốc hoặc dấu chân.

Hàng chục kiểm lâm viên đã mất mạng ở Thái Lan trong những năm gần đây và họ sợ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường sẽ khiến công việc của họ trở nên nguy hiểm hơn.

Hổ đang gặp nguy hiểm khi Trung Quốc nhòm ngó Đông Nam Á

Ảnh: Fabrizio Bensch/ABC News
Ảnh: Fabrizio Bensch/ABC News

Tim Redford thuộc Quỹ Freeland chuyên hỗ trợ tập huấn cho các kiểm lâm và đã chiến đấu để cứu động vật hoang dã của Thái Lan và quần thể hổ đang suy giảm trong hơn 30 năm.

“Mỗi một mảnh rừng đang bị chia cắt và tuyệt chủng đang trở thành vấn đề phổ biến xảy ra ở mọi nơi”.

“Với sự ra đời của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, tôi chỉ thấy tuyệt chủng còn tăng hơn nữa”.

Có ít hơn 200 cá thể hổ Đông Dương còn sót lại trong tự nhiên ở Thái Lan, nơi cuối cùng có thể sinh sản của một số cá thể loài ăn thịt này Đông Nam Á.

Loài này hiện đã tuyệt chủng ở Lào, Campuchia và Việt Nam.

“Trước đây, chúng có thể đi lang thang trên toàn bộ cảnh quan, di chuyển từ miền trung Thái Lan đến biên giới Campuchia và thậm chí qua Campuchia nhưng bây giờ việc di cư này gần như không thể”, Tim Redford chua chát nói.

Trong những năm gần đây, kiểm lâm đã học cách thu thập và xử lý bằng chứng theo tiêu chuẩn bắt buộc để đứng trước tòa.

Năm 2018, một kiểm lâm vườn quốc gia đã được ca ngợi là anh hùng khi bắt giữ một ông trùm xây dựng nổi tiếng bị bắt quả tang đang ăn súp nấu từ một cá thể báo đen quý hiếm mới bị giết.

Ông trùm có thể phải đối mặt với án tù 28 năm nếu bị kết án về tất cả các cáo buộc chống lại ông.

Theo Nhật Anh (baovemoitruong.org.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN