Đại dịch COVID-19 và những đại dịch thế giới từng đối mặt

Trong lịch sử nhân loại, nhiều dịch bệnh lớn được coi như đại dịch đã bùng phát trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người, ảnh hưởng không nhỏ đến dân số và gây trì trệ nền kinh tế toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu. Trong lịch sử nhân loại, nhiều dịch bệnh lớn được coi như đại dịch đã bùng phát trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người, ảnh hưởng không nhỏ đến dân số và gây trì trệ nền kinh tế toàn cầu.

Vì sao WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch?

Theo WHO, bệnh dịch được giải thích là sự bùng phát của một căn bệnh trong một khu vực với tốc độ lây nhiễm không lường trước được. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa bệnh dịch là “một sự gia tăng, thường là đột ngột, các ca nhiễm vượt cả số lượng đã ước tính tại khu vực đó”.

Năm 2010, WHO đã định nghĩa đại dịch là “sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh mới” có ảnh hưởng đến một số lượng lớn người. CDC thì định nghĩa “là một dịch bệnh lan rộng trên một số quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn người”.

“Thông thường một đợt bùng phát có thể trở thành một bệnh dịch khi nó lây lan rộng tại một quốc gia cụ thể, đôi khi ở một khu vực cụ thể”, như Zika – Giáo sư về luật y tế toàn cầu Lawrence O. Gostin, thuộc Đại học Georgetown, giải thích – “Trong khi đó một đại dịch được hiểu là sự lây lan rộng khắp về mặt địa lý của một căn bệnh tại nhiều nơi trên thế giới, qua nhiều châu lục”.

Covid- 19 đã trở thành "Đại dịch"
Covid- 19 đã trở thành “Đại dịch”

Ngày 11/3Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố COVID-19 đã tới giai đoạn gọi là đại dịch và cần hành động khẩn cấp từ tất cả các nước. Tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “WHO đã và đang đánh giá sự bùng phát từng giờ và chúng tôi quan ngại sâu sắc về cả mức độ lây lan và nghiêm trọng đáng báo động, cũng như mức độ thiếu hành động đáng lo ngại. Do đó, chúng tôi đưa ra đánh giá rằng COVID-19 có thể được mô tả như một đại dịch”.

Theo Tổng Giám đốc WHO: “Đại dịch không phải từ để sử dụng dễ dàng hoặc bất cẩn. Đó là một từ mà nếu sử dụng sai có thể gây ra nỗi sợ hãi vô lý, hoặc sự chấp nhận một cách phi lý rằng cuộc đấu tranh đã kết thúc, dẫn đến sự chịu đựng và những cái chết vô lý. Việc diễn tả tình hình hiện nay là đại dịch sẽ không thay đổi những đánh giá của WHO đối với mối đe dọa từ virus corona. Nó không thay đổi những gì WHO đang làm, và nó không thay đổi những gì các nước nên làm”. Ông Ghebreyesus khẳng định, tình hình dịch bệnh hiện tại là “cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực”.

Tổng Giám đốc WHO khuyến cáo các nước cần đưa ra cả những biện pháp giảm nhẹ và ngăn ngừa, song ngăn ngừa cần phải là biện pháp “trụ cột chính”. Trong thông điệp ngày 10/3, ông Ghebreyesus đã hối thúc các nước gạt bỏ sự khác biệt và đối mặt với COVID-19 như một “kẻ thù chung”, đồng thời khẳng định “đây là thời điểm chúng ta cần hợp lực để bảo vệ không chỉ chính chúng ta mà còn cả nhân loại”.

Trước đó, ngày 30/1/2020, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona.

Toàn cầu chung tay chống đại dịch

Khi người đứng đầu WHO Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 là một đại dịch vào ngày 11-3, tất cả các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều hành động quyết liệt hơn để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Đáng chú ý là trong khi Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát và dập dịch thành công với số ca nhiễm mới ngày càng ít, thì Italy, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha đang trở thành “tâm dịch” với số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng nhanh chóng.

Italy là ổ dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Pháp hiện là tâm dịch lớn thứ hai ở châu Âu sau Italy. Như vậy tính đến nay, trên thế giới có 8 quốc gia có số ca nhiễm vượt qua con số 1.000 người, gồm: Trung Quốc, Italy, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ.

Tại châu Âu, các quốc gia đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh số ca mắc và tử vong đang ngày càng gia tăng.  Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu tất cả nhân viên trong các bộ phận không quan trọng từ ngày 16-3 sẽ làm việc từ xa. Cho đến nay, đã có 9.000 nhân viên của EC làm việc từ xa, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân viên.

Sau WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, các nước đã đưa các biện pháp tức thời để phòng chống dịch
Sau WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, các nước đã đưa các biện pháp tức thời để phòng chống dịch

Ngay sau WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, các nước đã đưa các biện pháp tức thời như việc Mỹ cấm nhập cảnh đối với người đến từ châu Âu trong vòng 30 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ đêm ngày 13-3, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Ấn Độ đã đình chỉ tất cả các loại thị thực du lịch có hiệu lực từ ngày 13-3 đến ngày 15-4. Tuy nhiên một số người đối tượng vẫn được miễn trừ như những người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, tổ chức quốc tế, và những người có thị thực làm việc hoặc dự án.

Tây Ban Nha đã đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục ở khu vực Madrid. Tại Đức, chính quyền Berlin yêu cầu đóng cửa tất cả các rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc và nhà hát opera cho đến khi ít nhất là kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh. 16 bang của nước Đức đã cấm các cuộc tụ họp từ 1.000 người trở lên.

Hy Lạp, Ba Lan và Cộng hòa Séc đều tuyên bố đóng cửa trường học, bể bơi và những địa điểm công cộng. Romania và Pháp đã cấm các cuộc tụ họp có hơn 1.000 người. Ireland hủy bỏ các cuộc diễu hành ngày Thánh Patrick. Thủ tướng Bỉ hoãn các sự kiện trong nhà với hơn 1.000 người và yêu cầu người dân làm việc tại nhà nếu có thể. Chính phủ Thụy Điển cấm toàn bộ các hoạt động có từ 500 người tham gia trở lên. Ai vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù 6 tháng v.v…

Tại châu Mỹ, một số quốc gia Mỹ Latinh đã tăng cường các biện pháp nhằm làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19 như việc Mỹ cấm nhập cảnh đối với người đến từ châu Âu trong vòng 30 ngày. Mỹ cũng tạm ngừng các hoạt động thể thao, đóng cửa khu vui chơi giải trí.

Tại châu Á, Trung Quốc, nước được coi là “ổ dịch” và là nơi khởi phát dịch COVID-19, đến nay đã tuyên bố vượt qua cao điểm của dịch. Hiện Trung Quốc tiếp tục đẩy nhanh công tác nghiên cứu và phát triển các bộ xét nghiệm COVID-19 nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn để đưa vào sử dụng.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân về dịch COVID-19

Những người đang ở Việt Nam cần tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng về việc không ra nước ngoài, nhất là các vùng đang có dịch.

Những người đang ở nước ngoài: Không đến các vùng đang có dịch; hạn chế đi lại và tới những nơi công cộng đông người nếu không thực sự cần thiết; thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn, đồng thời tuân thủ tuyệt đối quy tắc phòng chống dịch COVID-19 của cơ quan chức năng sở tại.

Những người từ nước ngoài trở về thực hiện khai tờ khai y tế chính xác, trung thực khi nhập cảnh.

Những người trở về từ hoặc đi qua vùng có dịch, thực hiện khai tờ khai y tế chính xác, trung thực khi nhập cảnh; chấp hành nghiêm túc việc giám sát y tế và cách ly 14 ngày theo quy định.

Những hành vi che giấu, không khai báo, cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, không chấp hành cách ly sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân được đăng tải trên website chính thức của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự là: +84 981 84 84 84.

Những đại dịch thế giới từng đối mặt

Đại dịch đậu mùa từ thế kỷ XV – XVII đã làm khoảng 20 triệu người ở châu Mỹ tử vong.

Đại dịch tả trong giai đoạn 1817 – 1823 có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó đã lan rộng khắp châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi đã khiến hàng triệu người thiệt mạng.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha (còn gọi là cúm H1N1) thời kỳ 1918 – 1919 cướp đi sinh mạng của 50 triệu người và là một trong những sự kiện tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại.

Đại dịch cúm Hong Kong (còn gọi là cúm H3N2) năm 1968 – 1970 đã khiến 1 triệu người chết với các khu vực ảnh hưởng bao gồm châu Á, Australia, châu Âu và Mỹ.

Đại dịch HIV/AID từ năm 1981 đến nay đã khiến khoảng 32 triệu người chết trên toàn thế giới.

Đại dịch cúm A (còn gọi là H1N1) năm 2009 – 2010 khiến hơn 60 triệu người Mỹ nhiễm bệnh và làm gần 600.000 người tử vong.

Theo Minh Trà (conglyxahoi.net.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN