Kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn ở nhà cao tầng

Ngày 4.7, tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6 (TP.HCM), gần 500 học sinh đã được thực hành các kỹ năng thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ nếu chẳng may có xảy ra hỏa hoạn ở các nhà cao tầng.

Chiến sĩ Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm cho học sinh
Chiến sĩ Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm cho học sinh.
Chương trình do các chiến sĩ của Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07) thuộc Công an TP.HCM phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức giúp học sinh trải nghiệm về những kỹ năng thoát hiểm.
Sau khi được thượng úy Nguyễn Lê Ngự Bình của Đội 6 (PC07) hướng dẫn kỹ càng ở nội dung leo dây thang thoát hiểm, Trần Chí Nhân, học sinh lớp 10A8, Trường THPT Bình Phú (Q.6) tự tin leo dây thang từ mặt đất lên tầng 1 của ngôi trường này và ngược lại. “Mới đầu em cũng run lắm, nhưng khi trải nghiệm leo một lần, em muốn mình leo thêm vài lần nữa vì em nghĩ biết được kỹ năng này rất cần thiết cho bản thân, bởi chẳng may mình gặp phải sự cố mắc kẹt trong hỏa hoạn còn biết cách xoay sở, xử lý tình huống để thoát thân”, Chí Nhân, chia sẻ.

Kỹ năng leo thang dây
Kỹ năng leo thang dây
Theo thượng úy Ngự Bình, đây là tình huống được áp dụng khi các chung cư, nhà cao tầng bị cháy ở phía dưới, khói lửa bốc lên bao trùm cả cầu thang thoát hiểm khiến nạn nhân mắc kẹt ở trên lầu không thể chạy xuống được theo lối thoát hiểm.
“Gặp phải tình huống này thì nạn nhân cần hết sức bình tĩnh làm theo sự hướng dẫn của các chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn có mặt tại hiện trường. Nạn nhân dùng 2 chân bẹt ra 2 bên tựa như hình ảnh con thằng lằn bám vào sát tường vậy. Lúc này, nạn nhân sử dụng lực của 2 cánh tay là chính và thực hiện bằng cách dùng tay xuống trước, chân xuống tựa vào phần dây ngang của thang bước xuống sau”, thượng úy Ngự Bình, lưu ý.

Đeo dây an toàn trước khi leo thang dây
Đeo dây an toàn trước khi leo thang dây

Trong khi đó, ở nội dung cứu người bằng ròng rọc thả chậm từ trên cao cũng thu hút nhiều học sinh xếp hàng chờ đến lượt được trải nghiệm. Chiến sĩ Đinh Tiến Thành, cho biết: “Đây là nội dung rất quan trọng để ứng dụng vào tình huống khi nạn nhân ở trên nhà cao tầng nhưng gặp sự cố cháy mà lối thoát hiểm bị đóng”.

Đu người từ trên cao xuống đất bằng ròng rọc thả chậm
Đu người từ trên cao xuống đất bằng ròng rọc thả chậm

Với tình huống này, chiến sĩ Thành, chỉ cách: “Một tay nạn nhân cần giữ cho sợi dây luôn áp sát vào nách để tựa chắc; tay còn lại làm động tác đẩy vào vách tường để cho các bộ phận trên cơ thể của chúng ta trách va đập vào tường gây tổn thương hoặc trầy xước. Trong lúc thực hiện các thao tác thì tâm lý phải giữ vững để thực hiện đúng kỹ thuật”.

Kéo dây ròng rọc thả chậm
Kéo dây ròng rọc thả chậm

Sau khi trải nghiệm ở nội dung cứu người bị ngất xỉu trong hỏa hoạn, Du Chí Dũng, học sinh lớp 10A8, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6), chia sẻ: “Nhờ có buổi tập huấn kỹ năng và được trải nghiệm thực tế thú vị này mà em biết cách bế nạn nhân có trọng lượng nặng hơn cơ thể mình di chuyển ở cự ly dài để cấp cứu họ. Nếu chẳng gặp phải những tình huống này trong thực tế em đã biết cách để áp dụng cứu người bị nạn”.

Cứu người bị ngất xỉu trong hỏa hoạn
Cứu người bị ngất xỉu trong hỏa hoạn

Còn Nguyễn Tâm Hảo, học sinh lớp 11B18, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Q.6) cho biết: “Hôm nay em trải nghiệm được rất nhiều nội dung liên quan đến kỹ năng thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy, chữa cháy để có thể ứng dụng, đối phó với những tình huống hỏa hoạn chẳng may xảy ra. Tuy nhiên, phần trải nghiệm em thú vị nhất có lẽ là đu dây bằng ròng rọc thả chậm từ trên cao vì trước khi trải nghiệm em có cảm giác rất sợ nhưng sau đó em lại thấy thú vị và hữu ích”.

Theo Lê Thanh (thanhnien.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN