Làng mốt biến động năm 2020

J.Crew đệ đơn phá sản, khẩu trang thành phụ kiện hot, Kenzo qua đời… là những mảnh ghép của bức tranh làng mốt thế giới năm 2020.

t1Hàng loạt sự kiện thời trang hủy bỏ

Từ London, New York tới Paris, Tokyo, các tuần lễ thời trang trên khắp thế giới đóng băng bởi đại dịch, kéo theo hàng nghìn show diễn hủy bỏ. Các tín đồ thời trang mất cơ hội trình diễn những bộ cánh độc đáo ở lễ hội thời trang thường niên ở Coachella, thảm đỏ Met Gala, thảm đỏ Cannes hay những buổi lễ trao giải thu hút trong ngành âm nhạc trên thế giới.

Ảnh: Gorunway.

t2Nhiều thương hiệu thất thu, phá sản

Các ca bệnh không ngừng tăng khiến nhiều cửa hàng buộc phải đóng cửa trong nhiều tuần, nhiều tháng. Esprit phải đóng tất cả các cửa hàng tại châu Á. Zara đóng hơn 1.200 cửa hàng. Patek Philippe và Rolex ngưng sản xuất. Nike, Levi’s, Supreme, Urban Outfitters, Louis Vuitton, Nordstrom… ngừng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên.

Khi các nhà máy sản xuất hàng xa xỉ dừng tại Italy và các quốc gia khác, nhiều công nhân ngành dệt may mất việc. Công ty đầu tư Bernstein cho biết lĩnh vực hàng xa xỉ đang đối mặt viễn cảnh tồi tệ hơn cả ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế năm 2008. Theo WWD, bốn “ông lớn” làng mốt – LVMH, Kering, Hermes và Richemont – thiệt hại 35 tỷ Euro (39 tỷ USD) ngay từ tháng 3. Là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, các nhà bán lẻ như J.Crew, Topshop, Neiman Marcus, JCPenney, Brooks Brothers… liên tiếp nộp đơn xin phá sản. Nhiều tên tuổi lớn lao đao về doanh thu như H&M, Victoria’s Secret, Aldo, Guess, Diane von Furstenberg…

Ảnh: AP.

t3Hãng mốt lớn chuyển sang sản xuất thiết bị bảo hộ y tế

Kể từ tháng 3, tập đoàn xa xỉ LVMH dùng nhà máy chế tạo nước hoa làm nơi sản xuất nước sát khuẩn. Chanel, Hermès, Gucci, Armani, Bulgari và Prada… tập trung may khẩu trang và áo bảo hộ y tế. Louis Vuitton bán kính chống giọt bắn, sản xuất nước rửa tay. Burberry sản xuất bộ sưu tập khẩu trang cao cấp. 20% doanh thu bán khẩu trang được gửi vào Quỹ Cộng đồng Covid-19 của hãng – thành lập hồi tháng 4 nhằm hỗ trợ các nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch. Hãng mốt Moncler đóng góp 11 triệu USD (hơn 258 tỷ đồng) xây dựng bệnh viện cho các bệnh nhân nhiễm nCoV tại Milan (Italy).

Ảnh: LV.

t4Khẩu trang ở mọi nơi

Lần đầu tiên trong lịch sử làng mốt, khẩu trang trở thành một phụ kiện thời trang và dẫn đầu xu hướng khi xuất hiện tràn ngập trong mọi hoàn cảnh, từ thảm đỏ tới sàn diễn, hàng ghế đầu, các hoạt động street style… Hồi tháng 9, khẩu trang trở thành vật bất ly thân trên thảm đỏ của những diễn viên, đạo diễn cùng khách mời đến Venice – liên hoan phim duy nhất được tổ chức trong thời dịch. Cate Blanchett ưu ái khẩu trang y tế, trong khi Tilda Swinton tạo nét khác biệt khi dùng mặt nạ dát vàng lấy ý tưởng từ cá đuối, rong biển và hoa lan. Một số nghệ sĩ còn dùng khẩu trang, áo phông gửi gắm thông điệp chính trị.

Milan và Paris Fashion Week mùa mốt Xuân Hè 2021 cũng lần đầu chứng kiến các tín đồ phối khẩu trang với váy áo. Show Dolce & Gabbana yêu cầu 260 khách mời đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và ngồi giãn cách. Với mùa mốt năm sau, khán giả còn thấy khẩu trang trong bộ sưu tập của Schiaparelli, Balenciaga, Rick Owens, Christian Siriano, Collina Strada, Marine Serre…

Ảnh: Shutterstock.

t5Thời trang bắt tay thương mại điện tử

Covid-19 đã mở ra kỷ nguyên cho phép người mẫu có thể catwalk ngay trên nền tảng trực tuyến, làm thay đổi hoàn toàn lịch sử ngành công nghiệp thời trang. Trong show thời trang trực tuyến đầu tiên của thế giới do cựu tổng biên tập Vogue Pháp – Carine Roitfeld – tổ chức, 40 người mẫu tự trang điểm, làm tóc, catwalk trong phòng bếp, hành lang hay cầu thang và mỗi bước chân đều được phát online (video). Sân khấu của Tuần lễ thời trang Thượng Hải hồi tháng 3 là một sàn catwalk với phông nền xanh. Phần hậu kỳ dùng công nghệ thực tế tăng cường (AR) để bổ sung các hiệu ứng, giúp người xem cảm giác như đang xem một show diễn hoành tráng. Những buổi trình diễn thời trang như thế đã khai sinh ra một thuật ngữ mới – “Cloud catwalk” hoặc “Cloud shows”, được coi là tương lai của ngành công nghiệp thời trang.

Ảnh: amfAR.

Nhiều cách ra mắt bộ sưu tập sáng tạo

Để thích nghi với đại dịch và cứu vãn doanh thu, các nhà mốt nghĩ ra nhiều hình thức ra mắt bộ sưu tập. Thực hiện MV, phim ngắn, sử dụng người mẫu ảo, diễn viên múa… là cách gây ấn tượng của các thương hiệu thời trang. Ở Paris Haute Couture Fashion Week, Elie Saab, Ralph & Russo, Stéphane Rolland, Giambattista Valli… đồng loạt sản xuất video dưới 20 phút về bộ sưu tập mới, gửi cho ban tổ chức để phát online. Nhờ thế, khán giả có dịp thưởng thức phim ngắn siêu thực “Le Mythe Dior” của Dior về thiết kế Haute Couture cỡ búp bê, video ra mắt đồ cao cấp của Azzaro là một MV đậm chất nghệ thuật. Ở mùa mốt Xuân Hè 2021, Moschino được tán thưởng với bộ sưu tập cỡ mini và dùng con rối thay cho người mẫu (video). Với Thu Đông 2021, Balenciaga “bắt” khán giả chơi game nhập vai, qua hết các bàn của “Afterworld: The Age of Tomorrow” để nhận được phần thưởng là một bài tập hít thở.

Video: Moschino.

t6Show thời trang hoạt hình đầu tiên ra đời

Video thời trang hoạt hình đầu tiên được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Kara Chung và stylist Marc Goehring, mô tả một show thời trang dài ba phút với nhạc nền của Michel Gaubert. Không khí buổi trình diễn vui tươi và tự do, các nhân vật catwalk trong thiết kế Thu Đông 2020 của Chanel, Valentino, Loewe, Prada, Louis Vuitton, Fendi, Balenciaga, Bottega Veneta… Trên hàng ghế đầu, khán giả là những chú cáo, mèo, sinh vật Birdo-esque – nhân vật trong trò chơi “Animal Crossing”.

Ảnh: Animal Crossing.

t7Một số nhân vật nổi bật làng mốt qua đời

Một trong những mất mát to lớn của làng mốt là sự ra đi của nhà thiết kế Nhật Bản Kenzo hồi đầu tháng 10 vì nCoV. Sinh năm 1939, Kenzo nổi tiếng với các thiết kế vượt mọi ranh giới, phối màu cùng họa tiết ấn tượng lấy cảm hứng từ những chuyến chu du khắp thế giới của ông. Trong suốt 30 năm sự nghiệp, Kenzo đã truyền vào thời trang sự thơ mộng và tự do, chất huyền bí phá tan sự đơn điệu của Paris thập niên 1970.

Năm qua, giới yêu thời trang còn nhận tin buồn của Kansai Yamamoto – nhà thiết kế Nhật gạo cội có tầm ảnh hưởng tới thế hệ tài năng của thế giới như Jean Paul Gaultier, Hedi Slimane hay Raf Simons, người mẫu Stella Tennant qua đời ở tuổi 50.

Ảnh: Masaru Mizushima, Vogue

t8Prada bắt tay Raf Simons

Theo Vogue, thông tin Raf Simons trở thành đồng giám đốc sáng tạo Prada cùng Miuccia Prada đã tạo nên một cơn chấn động trong ngành thời trang, khiến người hâm mộ phấn khích. Buổi ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2021 của Prada đã trở thành sự kiện được mong đợi nhất ở Milan Fashion Week. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành thời trang, hai nhà thiết kế độc lập hợp tác trong cùng thương hiệu.

Cả hai đều không quá chú trọng vào doanh số bán hàng, thay vào đó đề cao những giá trị của thời trang cao cấp. Họ hợp tác còn vì ngưỡng mộ lẫn nhau. Raf Simons thán phục các thiết kế của Prada trong nhiều năm qua và mong muốn tìm kiếm những thử thách mới. Miuccia Prada cũng tán dương Simons bằng lời có cánh: “Tôi luôn yêu thích những việc anh ấy làm nên không bao giờ có chuyện tôi không hài lòng về những thứ chúng tôi làm ra”.

Ảnh: Gorunway.

t9Gabriela Hearst là giám đốc sáng tạo của Chloé

Đầu tháng 12, Gabriela Hearst thay Natacha Ramsay-Lévi trở thành người điều hành của Chloé. Sinh năm 1976 tại Uruguay, Hearst từng giành giải thưởng Woolmark quốc tế dòng thời trang nữ năm 2017, Nhà thiết kế của năm 2019 ở CFDA. Dưới trướng Gabriela Hearst, nhà mốt Pháp sẽ tiếp bước nhà sáng lập Gaby Aghion phát triển theo hướng thời trang xa xỉ bền vững. Thiết kế Thu Đông 2021 sẽ là bộ sưu tập đầu tiên của Hearst dành cho Chloé, chào sân vào tháng 3/2021.

Ảnh: Chloé.

Ý Ly (Theo VnExpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN