Chuyện của những tấm bảng hiệu

Dân ta hài hước lắm, ngay cả trong những chuyện tưởng như nghiêm túc nhất vẫn có thể bật ra tiếng cười. Mà xu hướng này ngày càng nhiều.

Bảng hiệu ở đây không chỉ hiểu đơn thuần là các bảng quảng cáo cho một tính chất, công việc, ngành nghề, sự kiện, thông tin nào đó, mà trong bài viết này, nó được hiểu như tất tần tật những tấm bảng mang ý nghĩa cảnh báo, thông tin, PR một hài hước hóm hỉnh hay… cáu kỉnh xuất hiện ở chốn công cộng.

Chuyện của những tấm bảng hiệu

1. Tôi hay đi trên con phố giày dép Lý Chính Thắng, Q.3 và lần nào cũng phải liếc nhìn cái bảng hiệu bên trái đường, dù chưa bao giờ vào mua. Nhưng có lẽ tôi sẽ nhớ tới nó khi cần mua sắm. Đơn giản vì cái bảng hiệu quá chảnh chọe : “Giày xấu giá cao”. Hóa ra chuyện thiên hạ thường bình phẩm shop đó bán đồ xấu mà mắc, lại được chủ shop giày này chộp lấy xài như thương hiệu của mình. Chưa bàn đến chất lượng, nhìn bề ngoài thì tiệm giày này nhộn nhịp hơn hẳn cái trung tâm giày to đùng của một đại gia làng  giày cách đó chừng trăm mét.

Chuyện của những tấm bảng hiệu

Chuyện này làm tôi nhớ  đến quán bún bò gân ở lề đường chung cư Tôn Thất Thuyết, quận 4 từng là tâm điểm ồn ào của cư dân mạng thời gian qua.

Chuyện của những tấm bảng hiệu

Tôi không biết quán bún bò gân ấy, dù tôi có biết chủ nhân quán ấy, vốn là một người của showbiz đã bỏ nghề hát và làm bầu sô. Không ai nhớ hay nhắc đến anh cho đến khi đùng một cái, anh được cộng đồng mạng nhắc nhở liên tục vì những tấm bảng không giống ai. Những dòng chữ thông báo về nôi quy ăn uống ở quán không đụng hàng, tưng tửng như viết status trên FB giảm stress hóa ra lại rất “bắt” cư dân mạng. Quán bún bò này đã mở được một năm và nó chưa từng gây chú ý cho tới khi có mấy cái bảng hiệu kỳ kỳ ngộ ngộ này, để người ta đồn đại mà tìm tới. Một cách PR hữu hiệu và thịnh hành nhất hiện nay, không tốn một xu. Và chỉ trong vài ngày nơi này đông khách một cách kinh khủng, bán không kịp thở đúng nghĩa. Cánh truyền thông mạng thì chầu chực suốt trong quãng thời gian quán bị lùm xùm chuyện  dẹp hay treo mấy bảng hiệu ấy, hot không kém gì chuyện cát-xê Giọng hát Việt của Mỹ Tâm. Chủ quán tha hồ lượm bạc thiệt từ hiệu ứng trên mạng ảo.

Chuyện của những tấm bảng hiệu

Trường hợp này cũng là gợi ý cho nhiều người khác. Người làm ăn kinh doanh bây giờ hiểu là không chỉ đầu tư chất lượng sản phẩm, mà trong các bảng  hiệu của mình, cái sự thông báo cũng phải khác người một chút thì mới mong gây chú ý cho các ánh nhìn vốn là những công dân mạng xã hội. Chỉ cần nói quá, hay nói khác đi một chút, nếu có chút hài hước nữa càng hay, xem như bạn đã thành công một nửa trong việc PR rồi. Ngay cả quán nước mía bên đường mà còn ý thức được điều này. Thay vì nói ly nước mía khổng lồ như nhiều tiệm khác, có tiệm chơi lạ bằng từ “Ly tổ mẹ”. Nói chung là những câu chữ luôn khiến các nhà ngôn ngữ học giật mình và than vãn cho sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng lại được cư dân mạng ủng hộ nhiệt liệt khi từ ngữ của văn nói được sử dụng cho văn viết với tất cả sự suồng sã dân dã của nó.

Chuyện của những tấm bảng hiệu

2. Tôi thi thoảng đi chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn. Chùa có mấy cây sala  nở hoa rất đẹp. Cây sala vốn rất hay được trồng ở các sân chùa, thậm chí có cả ở công viên Tao Đàn, Thảo Cầm Viên, nghĩa là không phải trường hợp hiếm. Nhưng chỉ có cây sala ở chùa Hoằng Pháp mới có cảnh như vầy. Hàng chục Phật tử, những người viếng chùa luôn túc trực dưới gốc cây sala mỗi khi vào kỳ hoa nở. Ai cũng đưa hai tay thành kính ngước mắt nhìn cây, nhìn hoa chờ thời khắc hoa rụng để hứng hoa. Hẳn nhiên là rất lâu. Không gian rất tĩnh lặng trong sự thành kính của người đợi hoa rụng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, lưng chừng gốc cây, nhà chùa cho gắn một tấm biển sơn vẽ cẩn thận, treo ôm quanh thân cây, nhắc nhở bằng một câu thơ rằng: Hai tay hứng hoa sala, coi chừng gian tà móc túi. À, thì ra chốn thiền môn kẻ gian cũng không từ. Mà kẻ gian cũng ghê gớm thật, nhè ngay lúc tín đồ  đang tập trung làm lễ, hai tay thành kính gần như bất động đưa ra hứng đợi hoa, mắt nhìn lên cây, thì còn cơ hội nào hay hơn! Đọc hai câu thơ trữ tình có vần rất trữ tình của nhà chùa, thấy đủ cả bi hài là vậy.

Chuyện của những tấm bảng hiệu

3. Cô bạn tôi đang tập lái xe, hỏi xin lại tấm hình được lưu truyền trên mạng của một netizen nào đó, chụp tấm biển dán sau lưng chiếc ô tô của mình. “Xe nữ lái, mới lấy bằng. Cảm ơn vì đã thấu hiểu”. Cô bảo để làm một cái y chang. Đường sá xứ mình chật chội, kẹt xe và lắm xe máy nên cô lái không tự tin, cảm giác như mình đang làm phiền người khác mỗi khi nghe tiếng còi bóp giục giã từ phía sau, nên đây là một giải pháp hữu hiệu. Có nghe lời càm ràm của mấy bác tài khi phía trước là một chiếc xe choán chỗ: Chắc chắn là nữ lái… mới thấy tính hài hước của dòng chữ này.

Chuyện của những tấm bảng hiệu

Những “thông điệp đường phố” kiểu này thể hiện ở khắp nơi và giống như một trào lưu. Ban đầu chỉ mang tính thông báo, nhưng thời gian đã chứng minh rằng những điều nghiêm túc, không cảm xúc, gãy gọn trên các bảng hiệu là những điều dễ khiến người ta quên nhất. Cho nên, phải khác. Khác ở đây, được hiểu và qua thực tế chứng minh, là phải hài hước, độc và lạ!

Hài hước hóa ra lại dễ đi vào lòng người hơn!

Chuyện của những tấm bảng hiệu

Chuyện của những tấm bảng hiệu

Chuyện của những tấm bảng hiệu

Chuyện của những tấm bảng hiệu

Chuyện của những tấm bảng hiệu

Đà Thư (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN