Gánh nặng bệnh hen phế quản trong cộng đồng

Hen phế quản (còn gọi là hen suyễn, bệnh suyễn) là một bệnh hô hấp mãn tính phổ biến trên toàn thế giới và đang có xu hướng gia tăng trong những thập niên gần đây, đặc biệt các nước có thu nhập thấp và trung bình.

henHen phế quản là bệnh hô hấp, do tình trạng viêm mãn tính đường thở, gây co thắt và tăng tiết đờm làm tắc nghẽn và hạn chế luồng khí vào và ra khỏi phổi, đồng thời xuất hiện các triệu chứng hô hấp như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, các triệu chứng này thay đổi theo thời gian về cường độ, thường xảy ra vào ban đêm hoặc gần sáng.

henBệnh hen phế quản tác động sức khỏe toàn cầu

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, hen phế quản ảnh hưởng đến 262 triệu người và lấy đi sinh mạng của 461 ngàn người.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc hen trung bình khoảng 3,9% dân số (trẻ em từ 13 – 14 tuổi chiếm 14,8%) tương đương khoảng 4 triệu người mắc và lấy đi sinh mạng của 3000 – 4000 người/năm.

Hen phế quản không được điều trị gây ra những gánh nặng to lớn cho bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân hen phế quản bị hạn chế trong các hoạt động hàng ngày như làm việc nhà, khó ngủ, mệt mỏi ban ngày, giảm hoạt động thể lực, mất định hướng nghề nghiệp, suy giảm năng suất lao động hay các hoạt động thể thao sáng tạo cũng như phong cách sống và hoạt động xã hội.

Theo thống kê tại Mỹ, do hen phế quản không được kiểm soát tốt nên mỗi năm có đến:

– 4 trên 9 trẻ em không thể đến trường.
– 1 trên 3 người trưởng thành phải nghỉ việc.
– 7 trên 13 người lớn bị hạn chế trong các sinh hoạt.

hen 1Thuốc điều trị hen phế quản

Thuốc điều trị hen phế quản được chia thành 2 loại: Cắt cơn và dự phòng ngoài cơn hen (dài hạn) với các đường dùng khác nhau: đường hít, uống hoặc tiêm.

Các thuốc điều trị hen phế quản:

– Thuốc giãn phế quản (salbutamol, bambuterol,…) và corticoid
– Các thuốc khác: kháng leukotriene (montelukast), kháng IgE….

Thuốc điều trị dự phòng không có tác dụng nhanh như thuốc cắt cơn nhưng lại có giá trị trong việc kiểm soát tình trạng viêm vốn có của đường thở. Dự phòng tốt thì người bệnh không cần dùng thuốc cắt cơn hen cấp tính, chức năng phổi gần như về bình thường.

Người bị hen phế quản nên chủ động phòng ngừa cơn hen

– Hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (ô nhiễm, bụi, nấm mốc, vật nuôi, thức ăn…)
– Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để tránh tái phát, trở nặng
– Thăm khám thường xuyên
– Biết cách sử dụng thuốc khi lên cơn hen cấp
– Tập thể dục hợp lý và ăn uống lành mạnh
– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh hen phế quản

Nếu bạn hoặc người thân có một trong các yếu tố nguy cơ sau đây, cần định kỳ đến đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe:

– Có tiền sử mắc các bệnh dị ứng (chàm, viêm mũi dị ứng, mề đay, phù mạch…).
– Gia đình có người bị hen hoặc các bệnh dị ứng kể trên.
– Thừa cân, béo phì (Chỉ số khối cơ thể BMI > 25. Vòng bụng > 90cm với nam và > 80cm với nữ).
– Thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, lông thú, phấn hoa, nấm mốc; một số thuốc hoặc hóa chất.

hen 2Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh

Người bị bệnh hen có thể có các triệu chứng khác nhau, thay đổi vào ban ngày, ban đêm hoặc theo mùa:

– Ho khan hoặc ho khạc đờm trắng, dính, nặng ngực, khò khè (thở rít, cò cử), khó thở (thở ngắn, khó thở ra).
– Các triệu chứng tái đi tái lại nhiều lần, nặng về đêm và sáng hoặc khi thay đổi thời tiết, khi gắng sức hoặc khi tiếp xúc khói, bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông chó mèo, hóa chất, một số loại thuốc.

Khi có một trong các dấu hiệu trên, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và đo chức năng hô hấp để phát hiện và chẩn đoán xác định bệnh hen phế quản.

Ảnh: ADCREW
Ảnh: ADCREW

Truyền thông giáo dục sức khỏe rộng rãi sẽ giúp người mắc bệnh hen hiểu biết rõ hơn về các thuốc điều trị hen phế quản sẽ sử dụng như thế nào đúng cách, cách phát hiện các yếu tố, nguy cơ gây khởi phát bệnh để phòng tránh, tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, góp phần kiểm soát tốt bệnh hen và nâng cao sức khỏe. Đây là mục tiêu đầy tính nhân văn của chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt.

Chăm Sóc Sức Khỏe Việt là chương trình do Davipharm phối hợp cùng Cục Y Tế Dự Phòng – BYT thực hiện, ngoài mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống y tế thông qua đào tạo tập huấn về giám sát, dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm (BKLN). Chương trình còn có mục tiêu truyền thông giáo dục cộng đồng về các BKLN, trong đó có bệnh hen. Người mắc bệnh hen không được điều trị đúng thường phải nhập viện, có khi trong tình trạng cấp cứu khẩn và đe dọa tính mạng. Bệnh hen nếu được theo dõi điều trị ngoại trú lâu dài sẽ đạt được sự kiểm soát tốt trên hầu hết bệnh nhân. Kết nối với chương trình qua Fanpage để có những thông tin hữu ích.

Phòng, chống BKLN hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải y tế, cải thiện sức khỏe cho người Việt Nam đặc biệt trong đại dịch toàn cầu Covid-19. Đây là mục tiêu đầy tính nhân văn của chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt, thông qua chương trình, Davipharm trở thành công ty trong nước tiên phong với cam kết đồng hành dài hạn cùng Cục Y Tế Dự Phòng, Bộ Y tế, chung tay giảm gánh nặng các BKLN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. Bạn có thể truy cập vào Fanpage CHĂM SÓC SỨC KHỎE VIỆT để có những thông tin hữu ích và hỗ trợ từ chuyên gia.

Nguồn tham khảo:

(1). https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/asthma
(2). http://www.hoihohaptphcm.org/index.php/benh-nhan/534-nhan-biet-va-xu-tri-con-hen-phe-quan-cap-tinh%E2%80%8B
(3). BRFSS Asthma Call-back Survey, US, 2012-2014
(4). http://trungtamytequan1.medinet.gov.vn/chuyen-muc/huong-ung-ngay-hen-toan-cau-05-thang-5-nam-2021-cmobile13483-45980.aspx

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN