Ai đã làm nên những siêu sao âm nhạc?

Hầu hết trong mọi trường hợp, các bản hit không thể tự nhiên thành hit. Nó cần cả một thiết chế quyền lực đứng đằng sau điều khiển những hệ thống phát hành và quảng bá phức tạp.

kanye-west-taylor-swift-2015-vmas-v-billboard-1548-1092x722-read-only-16005271291831219404059 Kanye West và Taylor Swift năm 2015 – Ảnh: BILLBOARD

Hết tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống, mới đây rapper nổi tiếng Kanye West lại… bỏ cúp Grammy vào bồn cầu rồi tiểu tiện lên nó, như một sự thách thức với nền công nghiệp âm nhạc khi anh không thể mua lại từ hãng đĩa khổng lồ Universal quyền sở hữu các bản master (tạm hiểu là bản ghi âm hoàn chỉnh đầu tiên) của mình.

Đúng như người ta nói, cách tốt nhất để đứng về cùng một phe đó là khi ta có chung kẻ thù, Kanye West quên tiệt tư thù với Taylor Swift và như chưa hề có cuộc “chia ly”, West kêu gọi cô cùng đứng lên đấu tranh vì quyền lợi nghệ sĩ.

Ai cũng biết cuối năm 2019, Swift châm ngòi cho một cuộc chiến tương tự với hãng đĩa Big Machine, mà mới vài năm trước cô còn bày tỏ niềm cảm kích với họ vì đã “tin tưởng” cô.

Việc một nghệ sĩ không được sở hữu những sáng tác của mình nghe thì vô lý, nhưng lại là chuyện thường ngày trong thế giới âm nhạc – nơi mà âm nhạc xét cho cùng cũng chỉ là một món hàng.

Kanye West trong cơn tức giận có nhắc đến Michael Jackson như một nạn nhân của ngành công nghiệp âm nhạc, đáng tiếc West quên không nhắc đến sự thật rằng chính MJ là một trong những “nhà buôn” nhạy bén nhất với cơ chế mà West gọi là “chế độ nô lệ”: lúc sinh thời, ông vua nhạc pop đã nhanh tay mua quyền sở hữu toàn bộ các ca khúc của The Beatles, rồi kiếm bộn tiền nhờ chúng trong sự ngỡ ngàng của Paul McCartney.

Những điều vô lý như thế có thể diễn ra bởi nó có lý lẽ riêng của mình.

Hãy bắt đầu với câu chuyện của Taylor Swift. Khi Scott Borchetta, người chủ cũ của Big Machine, lần đầu tiên gặp Taylor Swift, cô chỉ mới 14 tuổi, hoàn toàn vô danh, biểu diễn trong một câu lạc bộ ở Nashville.

Khi ấy, Borchetta không có gì và Swift cũng vậy. Vào thời điểm đó, chẳng ai dám chắc rằng Swift sẽ có ngày hôm nay, nhưng Borchetta vẫn lựa chọn đầu tư vào Swift. Nếu nói rằng Big Machine sống nhờ Taylor Swift cũng được, nhưng nếu không có Big Machine cũng không có Taylor.

Dù điều này nghe có phần thất vọng, nhưng huyền thoại về The Beatles đáp xuống nước Mỹ lần đầu tiên trong vòng vây của hơn 10.000 người hâm mộ thực chất là: những nhà quản lý của họ đã liên minh với một công ty sản xuất áo phông và vài trạm radio để cứ mỗi 15 phút lại có một thông báo được phát đi rằng: mỗi người đến sân bay đón The Beatles sẽ được tặng một chiếc áo phông!

Còn ngày nay, khi các dịch vụ streaming lên ngôi, các hãng đĩa phải trả đâu đó 2.000 – 10.000 USD để ca khúc họ muốn quảng cáo được đặt trong những playlist ăn khách.

Các ngôi sao có thể tức tối vì họ không được sở hữu thứ âm nhạc họ đã làm ra, nhưng ai đã làm nên các ngôi sao, nếu không phải những hãng đĩa?

Theo Hiền Trang – tuoitre.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN