Tại sao phải nhường?

Hôn nhân là một chuỗi những ngày dài của hai con người từ hai thế giới, hai gia đình xa lạ cùng về chung một mái nhà, họ được hoặc buộc phải sống cùng nhau, ăn cùng nhau, ngủ cùng nhau, mất bao lâu để họ hoà nhập vào làm một và có đời sống gọi là viên mãn?! Điều ấy hoàn toàn tuỳ thuộc vào yếu tố, họ có phải là tuýp người nhường nhịn, bỏ qua hay không.

shutterstock_438616585_huge

Oanh ở với chồng đã hơn năm năm, ấy vậy mà mỗi khi có việc bất bình ở cơ quan, về nhà anh sẽ luôn có cách trút giận vào Oanh. “Ủa, sao chăn gối bẩn thế này, đã bao tuần rồi em không giặt dra giường vậy?”, lần đầu nghe hỏi thế, máu nóng Oanh dồn lên não, cô bật lại ngay: “Một trăm tuần, không chịu được bẩn thì đi mà ngủ giường khác đi”. Thế là chiến tranh lập tức nổ ra không có hồi kết thúc, cơn lốc đấu tố và buộc tội diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết,. Mỗi lần như vậy, họ đều không ngủ được đêm đầu của trận cãi vã, và sau đó là chuỗi ngày chiến tranh lạnh cho đến khi có một sự kiện nào đó xảy ra thì một trong hai sẽ bắt chuyện trở lại, và họ làm lành.

“Tại sao em không nhường anh một chút? Hôm đó anh có chuyện rất bực mình ở cơ quan em có biết không, thế mà em còn làm anh nổi điên lên vậy?” Oanh cũng giãi bày: “Anh có nghĩ là hôm ấy em còn căng thằng, kiệt sức hơn cả anh không, em đã phải đền bù đến nửa tháng thu nhập của em ngày hôm ấy do sai sót của khách hàng và em phải chịu oan đấy, vậy mà anh còn kiếm chuyện cãi cọ thì sao em chịu được, sao em nhường nổi?”

Vậy mà dần dà, những cuộc cãi cọ dần vơi đi, khi một trong hai “kiếm chuyện” thì người kia tự động bớt lời để cơn giận từ từ trôi qua, sau khi đã bình tâm, họ mới tìm cách tâm sự và trút nỗi lòng cho người bạn đời cùng chia sẻ.

df1cba8365

Thương nhau chín bỏ làm mười

Phần lớn các cặp vợ chồng hiện đại không chọn giải pháp như vợ chồng Oanh, mà họ cùng giương căng ngọn cờ tự ái cùng cái tôi cao chất ngất, vậy là tỉ lệ li dị cứ thế tăng cao. Tại sao phải nhường “nó”? Là câu hỏi cũng là câu trả lời cho kết cục của cuộc hôn nhân. Đáng buồn là tỉ lệ các đôi li hôn lần hai, lần ba hiện nay cũng phổ biến không kém gì lần đầu. Công nghệ phát triển đồng nghĩa với thế giới phẳng kéo mọi người lại gần hơn bao giờ hết. Phần lớn theo quan điểm: Không có người này thì có người khác, quen nhau yêu nhau rồi cưới nhau, không hợp thì chia tay, việc gì phải chịu đựng, việc gì phải nhường “nó”, “nó” không biết quý mình thì mình tìm người khác biết trân trọng, biển ngoài kia đầy cá!!!

Tất nhiên nói luôn dễ hơn làm, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, cuộc sống gia đình ngày nay phần lớn vợ chồng cùng độc lập về kinh tế, cùng đóng góp vật chất và sức lao động như nhau, nên nếu một trong hai bên không biết nhường nhịn mà cứ thích thể hiện thì cũng không đơn giản, Kiểu như” tôi có thua kém gì anh đâu mà tôi phải nhường, anh có kiếm tiền giỏi hơn tôi đâu mà cứ huênh hoang vậy” hoặc “ cô làm vợ mà sao cứ phải chồm chồm lúc nào cũng ta đây không kém gì chồng làm gì vậy, ra oai với chúng bạn à?”

67d7cc629d379b6113edff6dacc8125820b3eece

Họ đâu biết rằng, con người ai cũng như ai, đầy đủ hỉ nộ ái ố, ai cũng đi làm, cũng có trách nhiệm với xã hội, gia đình, cộng đồng, cũng có lúc thăng lúc trầm, chọn sống cùng một người, là bạn hiểu rõ hơn ai hết mình phải cùng người đó lúc vui sướng cũng như lúc buồn khổ, phải chấp nhận những cái hay và cái dở, những tính tốt và tính xấu của họ, để cùng thăng hoa khi vui, và nhường nhịn khi bực mình. Nhường nhịn khác xa với nhu nhược hay hèn hạ. Nhường chỉ là vì mình phải biết cảm thông đúng lúc, biết chia sẻ đúng thời điểm. Có câu: “Lùi một bước trời cao biển rộng” là vậy. Nhường nhịn một tí, mất mát một tí thì hạnh phúc gia đình dễ bền vững hơn là sân si và tị nạnh. Vợ chồng với nhau mà khuyết đức tính nhường nhịn thì tan vỡ là điều rất dễ xảy ra.

Mà suy cho cùng, cỏ bên kia bao giờ chẳng xanh hơn khi nhìn thấy, chứ lấy nhau về rồi, thì “ông sau” không khác gì “ông trước” là bao, hoặc “cô mới” trăm phần tệ hơn “cô cũ”, tiếc nuối thì cũng đã rồi, chỉ trách sao trước kia mình không chịu nhường nhịn đi một tí, bây giờ nhường rất nhiều “tí” mà mãi vẫn thấy chưa yên, thế nên là:

Hãy nhường nhịn đi, khi còn có thể.

Vũ Hường

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN