‘Tai nạn’ nhớ đời của nàng dâu mới lần đầu cúng Táo quân

Đã 3 năm trôi qua nhưng chị Thu Vân vẫn chưa dám nói thật với mẹ chồng về sai sót của mình ngày ấy.

Theo truyền thống của người Việt, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình đều tất bật sửa soạn lễ cúng ông Công ông Táo. Tùy theo điều kiện của từng nhà mà có thể làm mâm lễ mặn hay ngọt nhưng mọi thủ tục cần hoàn tất trước 12h ngày 23. Thông thường, người phụ nữ trong gia đình sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị đồ lễ nên từ đó cũng có nhiều chuyện “dở khóc dở cười” với những nàng dâu thiếu kinh nghiệm.

Yêu cầu được giấu tên khi chia sẻ câu chuyện của mình lên báo, chị Thu Vân (*) ở phố Hàm Long, Hà Nội, vẫn giữ kín một bí mật suốt 3 năm nay về lần đầu tiên làm lễ cúng ông Táo ở nhà chồng. Chị kể, đó là năm đầu tiên chị về làm dâu nhưng gần ngày 23 thì mẹ chồng của chị lại bị sốt xuất huyết và nằm viện cả tuần lễ nên nghiễm nhiên mọi việc cúng lễ đều được giao cho Vân vì ông xã của chị là con một.

“Mình chân ướt chân ráo về nhà, còn chưa hiểu hết được thói quen tập tục của gia đình nhà chồng; hơn nữa, 24 năm ở với bố mẹ đẻ cũng chẳng phải động chân động tay vào việc gì, cứ ăn rồi học thôi. Thế nên, khi mẹ chồng trong viện gọi điện cho mình vào chiều tối ngày 21 tháng Chạp và bảo: ‘Tết năm nay nhờ cả vào con vậy’ là mình hoảng loạn luôn rồi”, Thu Vân chia sẻ.

photo-0-1484797057974

Đặt mâm cúng ông Táo trong bếp là quan niệm chưa đúng của nhiều người. Ảnh: Lamsao.

Việc đầu tiên chị nghĩ đến sau khi được giao nhiệm vụ là “gọi điện thoại cho người thân”, nhờ mẹ đẻ trợ giúp. Vì không biết chút gì về việc cúng lễ nên Thu Vân hỏi han mẹ mình tỉ mỉ từ việc làm bao nhiêu món, chuẩn bị đồ lễ gồm những gì, mua cá chép thật hay dùng cá giấy, thời gian cúng khi nào… Tuy nhiên, chị lại không hỏi một chi tiết là: “Đặt mâm cúng ông Táo ở đâu?”. Chị lý giải: “Ngày trước, mình đã đọc câu chuyện về ông bà Táo, biết chắc chắn đó là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên yên chí đặt mâm cỗ và lễ vật cúng ở trong bếp. Ông xã mình khi về thắp hương cứ nói: ‘Anh thấy hình như có gì không đúng!’, nhưng mình gạt phắt đi: ‘Không, em hỏi mẹ em rồi, chuẩn lắm’. Thế là hai vợ chồng xì xụp khấn vái rồi đem cá ra hồ cạnh nhà thả”.

Ba hôm sau, mẹ chồng chị xuất viện về nhà. Thương con dâu vừa mới về nhà đã phải lo đủ chuyện, mẹ chồng gọi chị Vân xuống phòng nói chuyện. Bà bảo: “Mẹ cứ áy náy mãi vì đáng ra năm nay là năm đầu tiên, mẹ phải hướng dẫn con việc nội trợ trong nhà, nhưng thấy con lo được chu toàn vậy, mẹ cũng yên tâm. Mẹ vừa lên phòng thờ, thấy hương con thắp hôm 23 quăn tít, chắc năm nay nhà mình được nhiều lộc rồi, không ai bị ốm như mẹ nữa…”. Bà còn nói thêm nhiều điều nữa nhưng chị Vân bảo, chỉ nghe tới “phòng thờ”, “hôm 23″ là tai chị ù đi vì biết mình đã làm sai. Bà mới ra viện, chị lại không muốn kể về chuyện đã qua vì sợ mẹ chồng lo lắng. Chị chỉ dám chia sẻ điều này cho mẹ đẻ của mình và được giải thích lại rằng: Ông Công ông Táo là các vị thần linh nên đều được cúng trên bàn thờ. Bếp là nơi đun nấu, không sạch sẽ nên không bao giờ được chọn làm nơi cúng lễ.

photo-1-1484797057969

Không hỏi rõ ràng lời dặn của mẹ chồng, Lan Anh gặp sự cố nhớ đời. Ảnh: Womenshealthmag.

Cùng cảnh ngộ như Thu Vân là Lan Anh ở phố Lò Đúc, Hà Nội. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ này lại nhìn nhận về sự cố ngày 23 tháng Chạp của mình một cách khá hài hước. Chia sẻ lại câu chuyện của mình, Lan Anh hy vọng các chị em sẽ không phạm phải sai lầm như chị và “nếu không trực tiếp cùng gia đình chuẩn bị Lễ tết thì hãy chịu khó quan sát cách bố mẹ đẻ làm để tránh chuyện đã rồi”.

Sau đám cưới, Lan Anh và chồng được bố mẹ tạo điều kiện cho ra ở riêng. Có bầu trước rồi sinh con ngay nhưng vì nghỉ hẳn công việc ở nhà nên Lan Anh tự xoay xở mọi việc mà không cần thuê giúp việc. Ông bà nội, ngoại đều làm kinh doanh nên gần Tết lại càng bận rộn. “Nếu có điều gì không biết, mình gọi điện hỏi mẹ đẻ, mẹ chồng, chứ chẳng trông mong ông bà sang làm giúp được. Hơn nữa, việc mua sắm bây giờ toàn qua mạng, người ta giao đến tận nhà nên mình không lo lắng lắm”, Lan Anh tâm sự.

Một hôm trước ngày 23 tháng Chạp, mẹ chồng của Lan Anh gọi điện hỏi han xem các con chuẩn bị lễ Tết đến đâu rồi. Bà cũng không quên dặn con: “Nhà có trẻ nhỏ, con nhớ cúng thêm một con gà luộc để các ngài phù hộ cho cháu lớn lên mạnh mẽ”. Yêu cầu của mẹ chồng không quá khó với cô con dâu hoạt bát, nhanh nhẹn nên hôm sau, Lan Anh đặt hẳn… một con gà mái tơ ở hàng quen cho yên tâm. Hơn nữa, cô bảo: “Con mình là con gái, lễ gà mái để sau này con dịu dàng, xinh xắn, chứ cứ tính nết ‘hổ vồ’ giống mẹ thì mệt lắm”.

Lễ lạt xong xuôi, hôm sau, Lan Anh lên mạng chat với cô bạn thân cũng có con gái 2 tuổi thì mới vỡ lẽ ra là: “Gà luộc phải là loại gà cồ mới tập gáy chứ không phải gà mái tơ như mình nghĩ. Có tục này là do ông bà quan niệm, Táo quân sẽ xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ lớn lên có nghị lực và ý chí mạnh mẽ như con gà cồ”.

Sự cố nhớ đời của Lan Anh đã xảy ra cách đây 2 năm, bây giờ, cô con gái của chị cũng đã gần 3 tuổi và hiếu động, nghịch ngợm như bao đứa trẻ trong độ tuổi này. Lan Anh vẫn cười xấu hổ khi nhắc tới “kỷ niệm xưa” nhưng cũng hay nói tếu táo để tự an ủi bản thân là: “Đấy, cúng gà mái tơ mà nó còn nghịch như giặc thế, nếu là gà cồ chắc mình không chịu nổi, suốt ngày chị chạy theo con thôi cũng mệt đứt cả hơi”.

Cúng ông Công ông Táo hay các lễ cúng khác là hoạt động tâm linh trong gia đình Việt. Tuy nhiều người quan niệm không cần cầu kỳ, câu nệ vì đó chỉ “vấn đề đức tin” hay “cứ thành tâm là được” nhưng theo các chuyên gia nghiên cứu, khi thực hiện đúng những quy định cơ bản thì cũng đồng nghĩa với việc mỗi gia đình đang gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Và khi có niềm tin vào một điều gì đó, mỗi người sẽ tìm thấy động lực để cố gắng nếu gặp khó khăn.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Ngôi sao

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN