Nếu yêu con, hãy mang con đến bên đời

“Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ”, bất luận người phụ nữ sống cuộc đời thế nào, dẫu cho tốt-xấu, giàu-nghèo, độc thân hay đã kết hôn. Phụ nữ, theo lẽ dĩ nhiên, có toàn quyền quyết định về thiên chức của mình, là nhận lấy hay chối bỏ. Khi đã nhận lấy “quyền lợi” làm mẹ thì tất nhiên “nghĩa vụ” sinh giáo dưỡng phải đi kèm.

Sinh con là để cho ai?

Vụ án đứa trẻ 4 tuổi bị đánh đập biến dạng cả mặt mày khiến xã hội rúng động.  Dù chưa biết chắc cặp vợ chồng ấy có quan hệ thế nào với bé nhưng đây không phải lần đầu một đứa trẻ bị bạo hành bởi chính cha mẹ của mình. Nhiều người đã chửi mắng nguyền rủa họ. Tôi không bênh vực hai kẻ mất hết tính người ấy, nhưng trong chúng ta, có bao giờ tự hỏi “có khi nào chúng ta đang cũng đang bạo hành con mình?”

Chẳng phải tát, đấm, đánh, đá mới là bạo hành. Có những sự bạo hành tinh thần cũng giết chết sự sống. Thói thường, đàn bà hay có câu: “sinh cho anh ấy một đứa con”, “sinh cho nhà ấy một thằng đích tôn”… Tôi cho rằng đó là những quan niệm sống sai lầm của bao bà mẹ, bởi bản chất của việc sinh con ra đầu tiên là phải là tình yêu con.

Khi người mẹ nghĩ rằng mình sinh con cho nhà chồng, áp lực về giới tính khiến tình thương của bà luôn nghiêng hẳn về những đứa con trai. Tôi đã từng sống những ngày tháng mà con trai là tất cả. Con gái đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp. Vào mâm cơm, con gái phải ngồi đầu nồi xới cơm cho cả nhà nhưng miếng ngon hơn lại dành cho con trai.

e4ac2da82389b29e_baby-talk.jpg.xxxlarge_2x

Những đứa con gái sẽ phản ứng theo cách của chúng. Đứa cam chịu sẽ không phản kháng nhưng ăn sâu vào lòng quan điểm chịu đựng đàn ông, mặc định đàn bà thiệt thòi và cung cúc giao thân cho số phận. Những đứa cá tính sẽ vùng lên khẳng định mình, tham vọng và ngạo nghễ cuộc đời khiến nó mang tiếng là kiêu ngạo. Tâm tính phản kháng sẽ trở nên phản xạ của con khiến nó luôn đề phòng và không biết lắng nghe. Và dẫu cho sau này con nó có thành công hay thất bại thì cuộc đời con mãi mang một vết sẹo tuổi thơ.

Khi người mẹ dùng đứa con để níu kéo tình yêu hay kinh khủng hơn là để phá tan một gia đình khác, đứa con nặng lòng kỳ vọng lại ôm luôn sự trăn trở của một mối tình oan khiên. Những lời chửi bới, những đòn roi, những áp lực sẽ khiến đứa trẻ biến đổi tâm sinh lý và thậm chí căm hận bậc sinh thành.

Có những bậc cha mẹ sắp đặt việc sinh con là có đứa làm ruộng, đứa nấu cơm, đứa nối dõi tông đường, mà chưa phải là một sự chuẩn bị kế thừa gia đình và đón nhận một thành viên mới. Bà mẹ quên đi rằng chính con mới là người cho mẹ rất nhiều. Con cho mẹ hiểu đầu tiên là tình mẹ. Sau là những nụ hôn thơm nồng da thịt, những nụ cười ánh mắt tươi vui khiến cha mẹ hiểu được ý nghĩa cuộc đời.

Có người nựng yêu con trai tôi, bông đùa: “cái ngữ này làm gì cho người ta nhờ mà mỗi tháng đi mầm non cũng tiêu tốn cả chục triệu?”, chị bạn thân trả lời thay tôi “nó là niềm vui và động lực cho cái đứa kiếm tiền” và “cái đứa kiếm tiền” – là tôi đấy hoàn toàn đồng ý.

Dưỡng con bằng những cái ôm

Nói đến chuyện cậu bé Hào Anh bị chủ ngược đãi ngày nào, giờ lại gây xôn xao mặt báo thêm lần nữa, chỉ khác là lần này em mới là người bị lên án. Nhiều người phẫn nộ khi Hào Anh đuổi mẹ và cha dượng ra đường.

Tôi không ủng hộ hành vi của Hào Anh nhưng tôi phản đối những người lên án cậu bé. Nguyên tắc lưu truyền cấm bạc đãi cha mẹ nhưng hãy nhớ, công sinh không bằng công dưỡng. Mẹ Hào Anh không xứng đáng được con trả hiếu vì bà đã nhẫn tâm bỏ rơi con mình.

Đừng nói chuyện nghèo. Nghèo đến đâu cũng phải đùm bọc con! Tại sao đứa con phải mang ơn công sinh thành khi sự ra đời của nó không xuất phát từ tình yêu dành cho nó? Hào Anh trong những ngày tháng đau thương ấy chắc chắn phải cầu xin phép màu cho mẹ đến cứu mình và con đã trông chờ đến tuyệt vọng.

Khi da thịt ngày ngày cháy xèo xèo dưới sắt nóng thì tình yêu tất đổi thành lòng căm hận. Vậy bà mẹ mong chờ gì ở một đứa con đáng thương với di chứng tinh thần nát bươm như thế? Tôi càng thông cảm khi em lấy tiền cung phụng người yêu vì lần đầu trong đời cậu bé mới chạm được tay vào cái mềm mại, mượt mà của tình yêu.

Nhưng tôi vẫn tiếc cho em, vì xã hội hùn tiền cứu thân xác Hào Anh nhưng không thể cứu được tinh thần. Không phải phép màu sẽ giúp con người lương thiện mà chính là giáo dục. Ông Bụt cứu đời cô Tấm nhưng không cứu được bản chất nhân hậu trong cô, khiến cô vẫn giết Cám mà đem làm mắm. Cha mẹ em đã vứt bỏ em, cả thân xác lẫn tinh thần, tiền bạc bù ngay trong giây phút nhưng giáo dục chỉ có một thời, nếu bỏ qua thì khiếm khuyết ấy không bao giờ tròn lại.

10_1387361781
Dưỡng con bằng những cái ôm

Biết bao người sinh con ra rồi đối xử với con chẳng ra làm sao. Có khi họ tự xem con là “vật sở hữu” của mình nên có toàn quyền trên con, thậm chí tự cho mình được quyền ngược đãi, bạo lực, bán con, vứt bỏ con ra đường hoặc trục lợi trên con. Và cũng vì tự mặc định cho mình cái quyền “làm cha mẹ” mà sẵn sàng chửi bới, nguyền rủa con mỗi khi tâm trạng. Lời nói không dao nhưng luôn có khả năng gây sát thương cực lớn, khắc dấu tổn thương suốt đời và giết chết luôn tình yêu mặc định.

Bạn có thể phản biện rằng “cha mẹ xưa ai ai cũng thế, bạn cũng bị chửi bới đánh đập nhưng bạn vẫn một lòng yêu kính cha mẹ”. Xin nhớ rằng mỗi con người là một thực thể độc lập và sẽ có phản ứng khác nhau. Acid tác động lên sắt khác hẳn với nhựa nên đừng bắt người khác phải phản ứng giống mình.

Một lần có người bạn kể với tôi về người chồng của bạn, hư hỏng, ăn chơi, quậy phá rồi bị tạm giữ ở phường. Vậy mà, anh ấy rơi nước mắt khi ông bố tất tả chạy đến, xin bảo lãnh rồi ôm con vào lòng. Không ngờ sau lần đó anh bớt hẳn, chỉ bật lên một câu thổn thức “sao giờ này bố mới ôm con?”. Anh là con giữa, cha thương chị Hai, mẹ yêu thằng Út và họ quên rằng anh cũng cần được yêu thương.

Rất nhiều ông bố bà mẹ đánh giá thấp cái ôm chặt đầy nội lực tình yêu dành cho con. Bản thân tôi cũng khắc khoải về một cái ôm như thế! Và điều gì được mong đợi quá nhiều nhưng không thành hiện thực thì sẽ trở nên chai đá. Bởi thế, đừng đợi đến khi bạn muốn ôm con mình thì nó từ chối, không phải vì ngượng ngùng mà là vì nó không còn cần nữa!

“Sinh con vì yêu và nuôi con cũng vì yêu.  Nếu không vì chính bản thân con thì đừng sinh nó ra trên cõi đời này”

Tác giả:

  • Hinh box nhan vat--Tên: Khánh Vân PR
  • Công việc: Giám Đốc Marketing & PR
  • Gia đình: 3 con từ 2-13 tuổi.
  • Quan điểm: Đã nói rõ trong bài
  • Ghét nhất: Bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến sự bình yên của gia đình
  • Yêu nhất: Gia đình

 

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN