Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi có rất nhiều điều cần chú ý. Có thể những người lần đầu tiên làm mẹ vẫn còn bỡ ngỡ và chưa biết rõ làm thế nào mới đúng và tốt cho bé.

Trẻ sơ sinh sau khi chào đời cần phải tự thích nghi với môi trường bên ngoài. Chính vì vậy, việc tuân thủ các cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi rất quan trọng và cần được các bậc phụ huynh lưu ý.

1. Cách bế trẻ sơ sinh

Bế trẻ sơ sinh là điều cơ bản nhất bạn cần biết về cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi. Mỗi bé có một sở thích riêng về tư thế bế như vác vai hay ẵm ngửa…

Tuy nhiên trước khi thực hiện, bạn cần để bé biết bạn sắp sửa bế bé. Có thể nhìn và trò chuyện với bé, sau đó nhẹ nhàng luồn tay xuống dưới đầu, vai và mông của trẻ. Bế trẻ lên một cách nhẹ nhàng để trẻ không bị giật mình hay hoảng sợ vì bị nhấc lên khỏi chỗ nằm một cách đột ngột.

2. Cách cho trẻ sơ sinh bú

Cho bé bú sớm nhất ngay khi có thể sau khi sinh là vô cùng cần thiết. Đặc biệt việc cho con bú mẹ hoàn toàn từ 0 đến 6 tháng tuổi là quan trọng. Điều này là do sữa mẹ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ nhỏ vì dễ tiêu hóa, không gây dị ứng cho trẻ và chứa nhiều kháng thể giúp bé chống lại một số tác nhân gây bệnh.

cham-soc-tre-so-sinh-1-1-1599118518287-15991185184571132274176 Cho trẻ bú mẹ ngay khi có thể sau sinh càng sớm càng tốt (Ảnh: Internet)

Trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi cũng cần được bú thường xuyên để có thể nhận đủ lượng sữa cần thiết do dạ dày của trẻ rất nhỏ. Trong vài tuần đầu khi mới sinh, bé cần được bú sau mỗi 2 giờ và mỗi cữ sẽ kéo dài từ 15 đến 30 phút tùy vào nhu cầu của bé cũng như lượng sữa mẹ. Một số trẻ khi đói sẽ có các biểu hiện bao gồm khóc, ngọ nguậy không yên hay tém miệng liên tục…

Lưu ý khi bé đang ngủ mà đến cữ bú, các bậc phụ huynh không nên đánh thức trẻ. Trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi cần ngủ từ 1 đến 3 tiếng đồng hồ mỗi lần và tổng thời gian ngủ là 16 đến 18 giờ mỗi ngày. Bạn có thể chờ cho bé tỉnh giấc rồi mới cho bé bú bù lại. Tuy nhiên nếu bé đã ngủ quá 4 giờ thì nên đánh thức bé dậy và chú ý không nên để bé ngủ khi mới bú mẹ được 1 thời gian ngắn đây là cách nuôi trẻ sơ sinh tốt nhất.

3. Cho bé ợ hơi sau bú

Sau khi bé đã bú no, các bậc phụ huynh có thể cho bé ợ hơi để tránh tình trạng ọc sữa ở trẻ sơ sinh và trào ngược dạ dày thực quản cho dù bé bú mẹ hay uống sữa công thức. Điều này là do chức năng của van giữa thực quản và dạ dày của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện đầy đủ.

mom-with-baby-e1524799167218-1599118528878-1599118529017711454700 Cho bé ợ hơi sau bú giúp ngăn ngừa tình trạng ọc sữa và trào ngược dạ dày thực quản (Ảnh: Internet)

Cách thực hiện như sau:

– Bế trẻ ở tư thế vác vai sao cho bụng bé áp sát vào ngực bạn.

– Vỗ nhẹ vào lưng bé và bế bé ở yên tư thế đó trong khoảng 10 đến 15 phút.

– Lưu ý giữ đầu và cổ bé cẩn thận vì cổ bé sơ sinh còn rất yếu.

4. Đặt bé ngủ đúng cách

Việc ngủ ngon giấc có ảnh hưởng rất lớn để sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Bé sẽ ngủ ngon nếu được bú no, cơ thể sạch sẽ cũng như không gian yên tĩnh và thoáng mát. Có thể massage nhẹ nhàng, cho trẻ nằm nôi cũng như hát ru hoặc mở nhạc êm dịu để bé dễ ngủ hơn.

Lưu ý tránh để trẻ ngủ ở tư thế nằm sấp vì trẻ dễ có nguy cơ đột tử. Hạn chế để gối hay thú nhồi bông xung quanh vì chúng có khả năng làm trẻ ngạt thở nếu đè lên người. Nhiệt độ phòng thích hợp nên là 28 độ C, phòng sạch sẽ và thoáng mát. Không nên để nhiệt độ phòng quá thấp hay quá cao vì có thể khiến bé cảm lạnh hoặc ngủ không ngon giấc.

5. Thay tã cho trẻ sơ sinh

Quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi các bậc phụ huynh có thể sử dụng tã vải hoặc tã giấy cho bé đều được. Nhưng cần lưu ý nếu chọn tã giấy cần chọn loại có kích cỡ thích hợp, tốt nhất cần chọn loại có khả năng chống hăm, chống ngứa. Nếu chọn tã vải, mẹ cần chọn loại vải có chất liệu bằng cotton mềm và có khả năng thấm nước tốt.

cham-soc-tre-so-sinh-10-1599118552551-15991185527821332316048 Lưu ý thay tã ngay cho trẻ sau khi đã tè hoặc ị đầy (Ảnh: Internet)

Cần chú ý để thay tã cho trẻ ngay sau khi trẻ tè hay ị đầy tã. Khi thay tã cần phải vệ sinh sạch vùng hậu môn và bộ phận sinh dục của trẻ. Mẹ cần dùng khăn mềm và nước ấm, lau theo hướng từ trước ra sau. Sau đó cần thoa kem chống hăm hoặc các loại kem bảo vệ da riêng cho trẻ sơ sinh trước khi mặc tã mới.

6. Tắm cho trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi

Tắm là một trong số những cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi cần được lưu ý nhất. Hiện nay có rất nhiều loại sữa tắm gội 2 trong 1 mẹ có thể lựa chọn để tắm cho trẻ. Hãy chuẩn bị thật tốt những điều sau đây trước khi tắm cho bé:

– Không để móng tay dài, không đeo đồ trang sức có bề mặt sắc cạnh khi tắm cho trẻ vì có thể làm trầy xước da của trẻ.

– Rửa tay thật sạch trước khi bắt đầu.

– Chuẩn bị khăn xô khổ nhỏ và lớn, quần áo sạch, mũ, bao tay, vớ…

– Chuẩn bị nước muối sinh lý 0,9 %, gạc, bông, tăm bông, băng rốn vô trùng để lau rốn sau khi tắm

Cần tắt quạt, tắt điều hòa trước khi tắm cho bé. Nước để tắm là nước sạch pha với nước sôi, nhiệt độ thích hợp khoảng 36 đến 38 độ C. Mẹ có thể dùng nhiệt kế hoặc dùng cùi chỏ tay để thử nước trước khi tắm cho trẻ. Trong quá trình tắm, mẹ có thể trò chuyện để trẻ cảm thấy hứng thú và không gào khóc tránh nước vào mắt, mũi, miệng…

xa-phong-thao-duoc-15991933015511724836557 Cần thật cẩn thận khi tắm cho trẻ sơ sinh (Ảnh: Internet)

Cách tắm cho trẻ sơ sinh bao gồm các bước như sau:

– Đặt bé nằm trên một mặt phẳng, sau đó dùng bông thấm nước muối sinh lý 0,9% để lau mắt cho bé. Lau theo hướng từ trong ra ngoài.

– Dùng tăm bông lau sạch lỗ mũi của trẻ. Sau đó lau mặt cho bé.

– Tiếp theo, phụ huynh bế trẻ lên và gội đầu. Chú ý để ngón cái và ngón áp út của bàn tay đang bế trẻ ép nhẹ 2 vành tai che lỗ tai. Điều này giúp tránh nước chảy vào tai trẻ. Dùng tay còn lại thấm nước vào khăn để làm ướt tóc. Xoa dầu gội lên tóc rồi xả sạch lại với nước. Sau đó dùng khăn sạch lau khô đầu cho trẻ.

– Đối với trẻ chưa rụng rốn, chỉ nên dùng khăn mềm để lau người, tránh làm ướt rốn của trẻ.

– Để tắm cho bé, đặt bé vào chậu nước có hòa sẵn sữa tắm. Sau đó đặt trẻ sang chậu nước sạch khác để tắm sạch lại.

– Đặt trẻ lên giường có lót khăn xô khổ lớn. Lau sạch và kỹ vùng rốn để tránh nhiễm khuẩn. Dùng khăn xô lau sạch người và ủ ấm cho trẻ.

– Tiếp tục dùng nước muối sinh lý để làm sạch mắt, mũi. Sau đó lau từ trong ra ngoài bằng bông. Làm sạch vùng bên ngoài tai bằng tăm bông hoặc bông gòn. Trong quá trình thực hiện, tránh để đầu chai nước muối chạm vào mắt, mũi của trẻ.

– Nhỏ nước muối sinh lý vào gạc rơ lưỡi để vệ sinh miệng.

– Dùng bông thấm sạch nước quanh rốn, sau đó thấm nước muối sinh lý lau rốn rồi lau khô lại. Nên để rốn thoáng, không quấn băng gạc ngay sẽ giúp rốn mau rụng hơn.

– Mặc quần áo, tã, bao tay cho bé và có thể cho bé bú ngay nếu bé có nhu cầu.

Sau khi tắm xong, mẹ có thể cắt móng tay, móng chân cho bé. Điều này là do móng đang rất mềm, dễ cắt sau khi tắm. Hoặc mẹ cũng có thể đợi bé ngủ say mới cắt để tránh việc bé quấy khóc, vùng vằng gây bị thương. Cắt móng tay, chân thường xuyên giúp hạn chế tình trạng khiến bé đau hoặc tự cào xước da của mình.

Theo Anh Dũng – phunuvietnam.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN