45 năm ‘ông bà anh’ yêu nhau từ thời chẳng có gì đến tuổi thất thập và bộ ảnh cưới “tình” hơn tụi trẻ

Ông bà nên vợ nên chồng vào thời điểm vừa đói, vừa nghèo, vừa khổ nên lấy nhau mà chẳng có giường cưới hay cỗ bàn gì, ảnh cưới hay áo cưới lại càng xa xỉ. “Của hồi môn” duy nhất của cô dâu chú rể ngày đó chính là tình yêu…

Cuộc sống phát triển, những người trẻ tài năng xuất hiện ngày một nhiều. Chính thế hệ đi trước cũng phải thừa nhận rằng họ phải học hỏi không ít từ người trẻ hiện đại. Tuy nhiên, dù nhanh nhẹn, thông tuệ, tháo vát đến đâu, vẫn có một thứ thế hệ trẻ khó lòng sánh được với bậc cha chú đi trước, đó chính là cách yêu.

Mới đây, trên MXH xuất hiện một bộ ảnh cưới giản dị mà đẹp nao lòng của cặp vợ chồng tuổi “thất thập”: bác trai Đặng Việt Cương (77 tuổi) và bác gái Nguyễn Thị Kim Thoa (70 tuổi). Bộ ảnh sau 1 ngày được đăng tải đã thu hút gần 2 nghìn lượt thích cùng rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận. Sức hút của bộ ảnh đến từ nét giản dị, thanh thuần từ màu sắc, bố cục đến những cử chỉ tình cảm của cặp vợ chồng “già về tuổi tác nhưng trái tim mãi trẻ”.

4 5 6
Những lời tâm tình của người đăng tải bộ ảnh – anh Dũng Đặng, con trai thứ của hai bác và cũng là người lên ý tưởng thực hiện bộ ảnh cưới cho bố mẹ nhân kỷ niệm 45 năm ngày cưới của ông bà – khiến không ít người trẻ ngưỡng mộ, bùi ngùi.

Theo lời anh Dũng Đặng, bố mẹ anh nên duyên năm bố anh 32 tuổi, bằng chính tuổi anh bây giờ. 45 năm đã trôi qua kể từ cái ngày hai cụ nắm tay nhau về chung một nhà. Bác trai năm nay đã 77, bác gái vừa tròn 70. Dù cùng công tác tại trường Đại học Bách Khoa nhưng được gặng hỏi thế nào, bố mẹ anh vẫn tuyệt đối giữ kín những chi tiết về khởi đầu chuyện tình của mình. Theo anh Dũng, chắc là do hai cụ “xấu hổ”.

Anh Dũng không biết vì sao bố mẹ quen và yêu được nhau nhưng những năm tháng chia ngọt sẻ bùi của ông bà thời kháng chiến anh biết rất rõ:

Tôi nghe kể năm 1972 cưới nhau khổ lắm, Mỹ nó ném bom miền Bắc thường xuyên. Cả nước kháng chiến chống Mỹ. Đói – nghèo – khổ là bộ ba trạng thái thường trực từ Hà Nội về đến quê, chỗ nào cũng thế. Cả hai nhà nội ngoại đều xuất thân nông dân, ông nội tôi mất sớm từ năm 1945, ông bà chả có gì cho bố mẹ ngoài tình thương vô hạn.

Bố mẹ lấy nhau trong khi cái nghèo đeo đuổi vì lương công chức quèn lấy đâu ra tiền tổ chức đám cưới tươm tất. Giường cưới chỉ là tấm phản cọt kẹt nằm trong góc nhà bà nội tôi ở quê, chuột thỉnh thoảng vẫn chạy qua chạy lại. Áo cưới là thứ xa xỉ sao dám mơ – mẹ bảo thế. Mà cũng đúng thật, bố mẹ bạn bè tôi trên 60 tuổi cũng không có mấy người được khoác lên mình bộ váy cưới. Mẹ tôi theo bố, ngoài tình yêu ra chẳng có gì. Thời bao cấp ai cũng nghèo, đói trường kỳ”.

7 8 9

Tình yêu thời chiến đâu chỉ mỗi vượt qua đói – nghèo – khổ là xong. Xa cách mới là trở ngại lớn nhất đối với các đôi tình nhân, các cặp vợ chồng. Bố anh Dũng từng có một thời gian đi nước ngoài triền miên, để lại mẹ ở nhà nuôi dạy hai anh em anh.

“Những năm 70 thông tin liên lạc khó khăn lắm, bố tôi đi nghiên cứu sinh bên Gruzia gần 5 năm mà chỉ có thể phần nào lấp đầy nỗi nhớ qua những phong thư 6 tháng mẹ mới nhận được một lần. Mẹ tần tảo nuôi anh Hà lớn lên. Rồi bố lại đi Algeria, thông qua chương trình của chính phủ Việt Nam gửi giáo sư sang đó. Bố lại đi và mẹ lại ở nhà sinh và nuôi tôi lớn. Bố mãi vất vả làm việc xứ người gửi tiền về nuôi ba mẹ con còn mẹ một mình cáng đáng việc nước việc nhà nuôi anh tôi và tôi nên người. Bức tranh cuộc đời bố mẹ giống nhau kỳ lạ, đó là luôn cách xa và luôn hy sinh vì gia đình, vì các con. Còn cái Tôi? Thôi để sau”, anh Dũng chia sẻ câu chuyện của bố mẹ.

Qua lời kể của anh Dũng, người ta mới thấy cái thiệt thòi, thiếu thốn của tình yêu thời chiến. Bố mẹ anh nên vợ nên chồng vào thời điểm vừa đói, vừa nghèo, vừa khổ” nên lấy nhau mà chẳng có giường cưới hay cỗ bàn gì, ảnh cưới hay áo cưới lại càng xa xỉ. “Của hồi môn” duy nhất của cô dâu chú rể ngày đó chính là tình yêu… Chỉ vậy thôi mà cũng đã bên nhau ngót nghét 45 năm.

10 11 12 13

Ở thời điểm hiện tại, bác Cương và bác Thoa vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn, yêu đời. “Tôi và gia đình anh trai luôn động viên bố mẹ đi chơi xa cùng nhau, vì quả thật ở độ tuổi này, bố mẹ không còn quá nhiều thời gian. Bố mẹ ở tuổi này rồi vẫn chưa thực sự quen với việc cần sống cho bản thân mình, mà vẫn lo tiết kiệm từng đồng cho con cái”, anh Dũng vui vẻ kể chuyện nhà.

Về phần mình, anh Dũng – cậu con trai hơn 30 tuổi, chưa vợ, vẫn “nhờ” bố mẹ đều đặn ngày 3 bữa cơm – dù rất yêu thương bố mẹ nhưng chưa biết phải làm gì để ông bà vui. Trong lòng anh chỉ nhớ rằng có mấy lần xúc động, mẹ tâm sự với anh rằng mẹ buồn vì chưa từng được mặc váy cưới.

Vậy là kỷ niệm 45 ngày cưới của bố mẹ, anh lên kế hoạch tặng bố mẹ một bất ngờ nho nhỏ – một chiếc váy cưới và một bộ ảnh cưới “muộn” tại chính nơi tình yêu hai người bắt đầu: Đại học Bách Khoa. “Mẹ đẹp và đôn hậu lắm, và lâu rồi mới thấy bố hiền và ngượng nghịu thế này”, đó là cảm xúc của anh sau khi ngắm nhìn thành quả của mình.

Bộ ảnh cưới giản dị là thế nhưng khiến không ít người trẻ thấy rưng rưng. Phải có một tình yêu chân thành, thủy chung, kiên định và mạnh mẽ thế nào, hai bác mới cùng nắm tay nhau đi qua ngần ấy thử thách.

Thế nhưng, có một điều chắc chắn là người ngoài nhìn vào thấy hai bác thật giỏi, thật đáng ngưỡng mộ khi duy trì được tình cảm “vạn niên” như vậy nhưng bản thân người trong cuộc lại xem đó là chuyện cực kỳ bình thường.

“Chìa khóa” hạnh phúc thật ra chẳng có gì đâu: Yêu là yêu vậy thôi, đừng đem những tạp nham ngoài kia khiến nó trở nên phức tạp, vẩn đục. Tìm được người tâm đầu ý hợp rất khó. Chỉ riêng việc vun đắp tình cảm với người mình yêu thật lòng đã đủ hết đời, đâu còn thời gian hay tâm trí để điều gì khác xen vào.

14 15 16 17 18 19 20

Theo Trí Thức Trẻ

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN