Văn hóa vì sao… lùn?

Văn hóa lùn – đó là câu nói …. “dân gian” chê những hiện tượng kém cỏi về lối sống, ứng xử, quan niệm của rất nhiều người trong xã hội hiện nay.

Ban đầu, ai cũng yên trí tin tưởng rằng đó chỉ là số ít ỏi, chứ số đông không như thế. Bây giờ, học hành là chuyện cả xã hội dồn sức cho con em. Tốt nghiệp đại học dần trở thành… “xóa nạn mù chữ”. Đó, đứa nào lại chẳng vào đại học…  Đám ở quê cũng nhong nhóng thoát ly, ra các đô thị lớn và có bao đứa dần…. mất quê.

Nhưng nhìn xem một đứa trẻ lớn lên thế nào?

Nói như thi sĩ Hoàng Cầm khi trả lời phỏng vấn thì “tuổi trẻ ngày nay… không có kỷ niệm”. Được hỏi lại, ông bảo đúng thế, kỷ niệm của họ ít lắm và giống nhau: cùng vào nhà trẻ mẫu giáo, lớn lên đi học, đi làm… phần lớn những đứa trẻ lớn lên ở thành phố chỉ có vậy.

Là cuộc sống “đồng phục” mất rồi: nhà, xe, điện thoại, quán xá, thời trang, du lịch…

Cứ tưởng cuộc sống đi lên hiển nhiên. Các bạn trẻ “choáng váng” vì bao nghề mới, văn phòng sáng choang. Xuyên qua những màn hình presentation, những khán phòng âm u máy lạnh, những cuộc giằng giật méo mặt nhăn trán của thương trường… Những bài viết đầy “big idea” nộp cho khách hàng để họ có những báo cáo tươi đẹp nộp cho sếp của họ…

Cứ tưởng cuộc sống vật chất, hiểu biết nâng cao như thế, thì mọi người đều có văn hóa. Thế mà thật lạ. Nhìn tốc độ diễn biến của tin tức hót, tình hình có vẻ đi vào ngõ cụt không lý giải được.

Tràn ngập tin tức cướp giết hiếp. Giết giờ là chém luôn cả nhà 3 – 4 mạng một lúc không ghê tay… Thôi thì giải thích rằng ở xã hội nào lại không có cướp và giết người chứ.

Rồi nếu không cướp giết thì tranh giành kiện tụng, con tố cha, vợ lừa chồng, anh em thành thù hận vì miếng đất, cái cổng đi chung. Con đẩy cha mẹ ra nằm ngoài đường không cho vào nhà.

Rồi nếu không ở mức cướp giết, không tranh giành kiện tụng bạc đãi cha mẹ già đau yếu, thì lại sinh lắm thói rởm đời, cởi áo cởi quần, tung sex, nói năng những câu  “đã thậm ngu, lại còn tỏ ra… nguy hiểm”.

Văn hóa vì sao… lùn?

Các chung cư giờ đầy “chuồng cọp” (các lan can làm lồng sắt), chứng tỏ mật độ trộm cắp đã đến mức các nhà thiết kế phải đưa nó vào “nội dung” bảo đảm an toàn. Ở chung cư, chả ai thèm biết ai, ngày Tết ra vào cầu thang coi như không biết. Xả rác đái bậy thì có khắp… cả nước. Lấn chiếm hành lang, bày bán đồ tạp phẩm, nói cười chửi nhau choang choác.

Người người giờ mới “ngã ngửa”, té ra vật chất tiến bộ – không có cái máy cái xe cái đồ dùng nào hiện đại nhất thế giới lại không có ở Việt Nam – vậy mà sao văn hóa lại… lùn đến thế? Nó không chỉ là số ít hay cá biệt. Nó nổi tiếng cỡ thế giới cơ. Thói ăn cắp vặt, nói to ồn ào, lười biếng, gian dối, đố kỵ, khôn vặt… đã trở thành “dân tộc tính” của người Việt, khắp nơi người ta đề phòng.

Thế thì vì sao, tại ai, từ bao giờ? Dân tộc tính từ ngàn xưa Bà Trưng vua Hùng… xa quá không nói. Chỉ cần nhìn thế hệ ông bà cha mẹ thôi cũng đủ thấy xưa các cụ trọng tình nghĩa, cái tốt đẹp còn nhìn thấy tận mắt chứ không cần đọc sử hay nghiên cứu sách cổ mới biết.

Nhiều người đổ béng cho kinh tế thị trường cho nó gọn. Trăm sự tại tiền cả. Nhưng mà thế giới người ta cũng qua thị trường cả, sao người ta không thế? Người thì tỏ ra thông thái bảo, họ cũng đầy vấn đề ra đó, nhưng người ta có Luật đàng hoàng. Người ta xử ngay. Quan người ta cũng tham nhũng chứ đâu chỉ mình ta? Nhưng mà ta thì biến tướng tràn lan không sao dập nổi dù Luật cũng có thiếu đâu? Ta cứ kêu toáng lên, chả có cơ chế nào kiểm soát quyền lực hữu hiệu.

Hay là tại cắm đầu vào vật chất, kinh tế mà bỏ quên văn hóa? Văn hóa là nếp, rất lâu mới có được, mà phải nhiều thứ hỗ trợ, niềm tin, lý tưởng, triết lý sống, tôn giáo linh thiêng, dư luận xã hội, phong tục tập quán, phải rèn khổ công… Những thứ này chả thấy có dự án đầu tư, chẳng đo tăng trưởng, chẳng ai thấy sợ, chẳng ai thấy cần hay khao khát như họ đã từng khát tiền, không làm cũng chẳng chết ai.

Nếu có làm, thì cũng chỉ là cái cớ để… tiêu tiền, để vơ một mớ.

Thế là cứ bừa bãi mà kiếm tiền, tự do mà tung chưởng xấu xí vào bầu không khí chung của đạo đức, lấy sự giả dối làm mặt nạ. Thế là chẳng bao lâu, người ta ở trên đống vật chất cao tít tắp, những nhà, những xe, những cuộc du hý, những áo quần hàng hiệu, những triết lý hay ho che đỡ cho thói hư hỏng khốn kiếp. Từ trên cái đống cao chót vót của vật chất ấy, bỗng thấy xây xẩm mặt mày vì cúi xuống thấy văn hóa nó ngoi ngóp, sao mà nó lùn tịt bên dưới thế kia?

Bây giờ biết đổ cho ai?

Đạt Mỹ (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN