Nước bẩn ở Hà Nội: Dân đề nghị xử nghiêm, đòi Viwasupco bồi thường

Rất nhiều khu chung cư có hàng trăm đến hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội đang náo loạn vì thiếu nước sạch.

Người dân xếp hàng đến tối mịt 16-10 để lấy nước sạch tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Người dân xếp hàng đến tối mịt 16-10 để lấy nước sạch tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

“Các bạn có biết ai bán nước sạch để chúng tôi mua cho khu chung cư 3 tòa, khoảng 1.500 hộ dân?”. Những tin nhắn như thế này xuất hiện khá nhiều trong chiều 16-10.

“Cư dân bắt đầu yêu cầu tìm xe cung cấp nước, nhưng gọi khắp các số điện thoại đều không được. Gọi nhà máy nước ở Xuân Đỉnh, họ nói có thể cấp nước miễn phí, nhưng cư dân phải có xe bồn đến lấy nước” – đại diện ban quản trị khu chung cư Vimeco, Cầu Giấy, Hà Nội kể lại.

Theo vị đại diện này, hiện nhiều gia đình trong khu nhà đành phải gọi bình nước cỡ lớn về để nấu ăn, nhưng gọi nước cũng không dễ dàng. Nước nhà máy hiện chỉ dùng để tắm gội, nhưng vẫn rất lo vì sợ ảnh hưởng đến da, mắt…

Số liệu tTheo báo cáo thường niên của Viwasupco - Đồ họa: TUẤN ANH
Số liệu tTheo báo cáo thường niên của Viwasupco – Đồ họa: TUẤN ANH

Mệt mỏi, mắt thâm vì chờ nước

Chị Phạm Thị Trà Giang, cư dân của một khu chung cư 400 hộ dân trên đường Hoàng Quốc Việt, cho biết khu chị sử dụng nước của nhà máy Cáo Đỉnh và Mai Dịch nhưng dân vẫn rất lo. Ngày 16-10 đại diện cư dân đã lấy mẫu nước đi kiểm tra 11 chỉ tiêu (nhưng không tìm dầu trong nước vì chi phí quá cao và nhìn cảm quan thấy nước trong). “Do số người đến xét nghiệm rất đông, phải đợi 4-7 ngày mới có kết quả” – chị Giang cho biết.

Nguồn nước ô nhiễm nặng không thể tắm giặt, nên từ nhiều ngày qua phần lớn hộ dân ở các khu đô thị bị ảnh hưởng phải “di tản” tới gia đình người thân để tá túc, tắm giặt. “Tôi làm xong chạy qua nhà nghỉ tắm trước, xong đón con vào tắm luôn. Nước ô nhiễm không thể tắm nổi. Đến ngày hôm nay nước ô nhiễm cũng đã đóng van, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, cư dân chỉ về nhà đi ngủ chứ không ăn uống. Người nào người nấy mệt mỏi, mắt thâm vì chờ đợi xin nước” – chị Lê Thu Hà (32 tuổi, ở khu HH, quận Hoàng Mai) chia sẻ.

Không ít hộ dân cho rằng ngoài nhận lỗi cung cấp nước không đạt chất lượng cho khách hàng, Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) phải nhanh chóng khắc phục hậu quả cấp nước trở lại, và bồi thường cho khách hàng là hàng chục vạn dân phải ăn uống nước ô nhiễm trong nhiều ngày.

“Từ khi thành phố tổ chức họp báo nói rằng không nên ăn uống nước sông Đà và nước bị ô nhiễm do dầu, chúng tôi mới biết. Người dân đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm công ty cấp nước đã thiếu trách nhiệm trong vụ việc này” – ông Tứ (phường Hạ Đình) bức xúc.

Người dân xếp hàng đến tối mịt để được nhận nước sạch (ảnh chụp tại khu đô thị Linh Đàm chiều tối 16-10) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Người dân xếp hàng đến tối mịt để được nhận nước sạch (ảnh chụp tại khu đô thị Linh Đàm chiều tối 16-10) – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hết Rạng Đông đến nước bẩn

Phần lớn dân sinh sống tại phường Hạ Đình đều cắt cử người đi xin nước về sinh hoạt. Ông Đặng Tiến Vân cho biết từ ngày biết nước bị ô nhiễm, gia đình ông phải mua nước đóng chai để sử dụng. Nước máy của thành phố mặc dù có mùi hôi, sốc giống như hóa chất nhưng “cực chẳng đã” vẫn phải sử dụng để tắm, giặt.

“Thành phố cần đưa nước về tận các khu dân cư để dân có nước sinh hoạt. Tôi già 75 tuổi mà phải đi lấy từng can nước cho gia đình bảy người. Ở khu phố tôi, giờ người già cứ phải thay phiên nhau đi mua nước, xin nước về để uống” – ông Vân nói.

Cách nhà ông Vân không xa là gia đình chị Hương cũng phải cắt cử người đi xin nước. “Hơn một tháng trước, chồng tôi tham gia chữa cháy kho Rạng Đông phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Đến nay anh mới đi làm lại được một thời gian thì tôi lại phải nghỉ để lo đi xin nước cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Vài ngày trước biết nước có mùi hôi do bị ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác đành phải sử dụng” – chị Hương nói.

133 tỉ đồng

Đó là lợi nhuận trước thuế của Viwasupco trong sáu tháng đầu năm 2019, từ doanh thu gần 264 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế trên doanh thu lần lượt là 57% và 50%.

Styren ảnh hưởng sức khỏe thế nào?

Quy chuẩn VN với nước ăn/uống do Bộ Y tế ban hành năm 2009 quy định có 2 nhóm chỉ số A, B và C, với 109 chỉ số. Trong đó, hàm lượng styren (chất có trong dầu thải đã nhiễm vào nguồn nước ăn uống của Hà Nội) có yêu cầu giới hạn dưới 20 microgam/lít. Xét nghiệm mẫu nước khu vực nhiễm dầu thải cho thấy chỉ số này cao hơn giới hạn cho phép, cao nhất là gấp 3,65 lần.

Theo các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC) của Hà Nội, styren tồn tại trong môi trường sống ở khói thuốc lá, khí thải từ phương tiện giao thông, trong công nghiệp hóa dầu, sản xuất cao su và cả trong hộp xốp đựng thực phẩm.

Khi ở trong nước, styren có thể bay hơi trong 24 – 48 giờ, thời gian bán thải nếu vào cơ thể là 8 – 9 giờ, tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy hiện Hà Nội chưa có đầy đủ các thông tin về độc tính của styren để khuyến cáo cho người dân, ngoài khuyến cáo nước không đạt chuẩn thì không được cấp cho sinh hoạt.

Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết ngày 16-10 Hà Nội vẫn tiếp tục lên Hòa Bình lấy mẫu nước để kiểm tra.

L.ANH

Theo tuoitre.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN