nCoV tồn tại hơn ba tuần trên thực phẩm đông lạnh

SINGAPORE – Nghiên cứu mới cho thấy khả năng nCoV tồn tại hơn ba tuần ở nhiệt độ bảo quản lạnh và đông lạnh.

Các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland đã công bố kết quả nghiên cứu này trên tạp chí bioRxiv, ngày 18/8.

Nhóm nghiên cứu cho nCoV xâm nhập vào lát cá hồi, thịt gà và thịt lợn mua ở siêu thị tại Singapore. Sau đó, họ lưu các mẫu ở ba nhiệt độ khác nhau (4oC, -20oC, -80oC) và kiểm tra mẫu ở các mốc thời gian (1, 2, 5, 7, 14 và 21 ngày sau khi cấy virus). Kết quả thực phẩm vẫn bị nhiễm virus sau 3 tuần ở cả 3 mức nhiệt độ.

Cách đây không lâu, lô cánh gà đông lạnh xuất khẩu từ Brazil sang Trung Quốc dương tính với nCoV. Vài ngày trước đó, thành phố Yên Đài, Trung Quốc, người ta tìm thấy nCoV trên bao bì hải sản đông lạnh, nhập khẩu từ Ecuador. Các quan chức đã phong tỏa hàng hóa, những người xử lý hải sản được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính.

Các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland kết luận nCoV có thể tồn tại trong khoảng thời gian và nhiệt độ liên quan đến điều kiện vận chuyển cũng như bảo quản thực phẩm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng điều kiện làm việc tại các nhà máy chế biến thịt là nguyên nhân lây truyền nCoV. Công nhân tiếp xúc gần trong thời gian làm việc dài, thông khí kém, đông đúc và la hét. Các cơ sở chế biến thịt tạm thời ngừng lại, trong bối cảnh đại dịch và công nhân đang nhiễm bệnh.

Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết: “Với virus hiện diện ở người lao động và môi trường, thịt có thể bị nhiễm nCoV trong quá trình giết mổ và chế biến”.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số khu vực không ghi nhận lây nhiễm cộng đồng sau một thời gian. Nhập khẩu thực phẩm và bao bì thực phẩm nhiễm khuẩn có thể là một nguồn cơn cho đợt dịch.

tinMột phụ nữ mua thực phẩm đông lạnh tại siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/8. Ảnh: Reuters

New Zealand phát hiện hàng loạt ca nhiễm nCoV mới, sau hơn 100 ngày không lây nhiễm cộng đồng. Ngày 11/8, Thủ tướng Jacinda Ardern thông báo, bốn trường hợp dương tính nCoV trong một hộ gia đình ở Auckland. Các ca nhiễm không rõ nguồn lây, và không ra nước ngoài gần đây. Một vài bệnh nhân làm việc tại cơ sở thực phẩm đông lạnh ở Auckland, dẫn đến suy đoán rằng virus có thể đã tồn tại trong thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Ngày 24/8, New Zealand ghi nhận thêm 9 trường hợp Covid-19 từ cụm dịch lây ở Auckland. 123 ca nhiễm và 151 người liên quan đến cụm dịch đang cách ly ở Auckland, trong đó 82 người có kết quả dương tính và tiếp xúc thành viên trong gia đình.

Ông Ashley Bloomfield, Tổng Giám đốc Y tế New Zealand, cho biết “virus có thể tồn tại trong một số môi trường lạnh khá lâu”, theo AP.

Tuy nhiên, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng không cần phải lo sợ về khả năng nhiễm virus từ thực phẩm hoặc thức ăn đóng gói. Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, khuyên: “Mọi người không nên sợ thực phẩm, đồ đóng gói, thực phẩm chế biến sẵn hoặc giao hàng”.

Các nhà nghiên cứu từ Singapore và Ireland phản biện rằng mặc dù nguy cơ lây truyền thấp, nhưng khả năng bùng phát dịch bệnh vẫn tồn tại. Nhóm này khuyến cáo: “Thực phẩm không phải là con đường lây chính, nhưng khả năng vận chuyển hàng hóa bị nhiễm nCoV đến khu vực không có Covid-19 và bắt đầu bùng phát dịch là một giả thuyết quan trọng”.

Việc tìm hiểu nguy cơ thực phẩm nhiễm nCoV, mầm bệnh có tồn tại khi xuất khẩu, sự tồn tại của virus khi vận chuyển và điều kiện bảo quản hàng hóa, là điều cần thiết.

“Chúng tôi tin rằng có thể thực phẩm nhập khẩu bị nhiễm khuẩn truyền virus sang công nhân và môi trường. Một người xử lý thực phẩm bị nhiễm, có khả năng trở thành trường hợp chỉ điểm của một đợt bùng phát mới”, các tác giả nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu chưa được khẳng định bởi các đánh giá chéo. Tuy nhiên, phát hiện của nhóm nghiên cứu, cùng với các báo cáo của Trung Quốc, đã gửi cảnh báo đến các cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm. Ngành công nghiệp thực phẩm ở các quốc gia được khuyến cáo cần đề phòng rủi ro từ thực phẩm nhập khẩu.

Nguồn: Fox News

Nguyễn Ngọc (Theo Vnexpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN