Chuyện công sở: sếp có nên quá thân với nhân viên?

Từ xưa đến nay, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới luôn có một khoảng cách nhất định, vì bản chất mối quan hệ này đã có sự khác biệt của chức vụ cao – thấp và những mưu tính lợi ích riêng. Người quản lý nào cũng muốn tạo nên một môi trường công sở vui vẻ. Nhưng điều đó không đơn giản vì nếu cư xử không khéo có thể sẽ đưa đến những tình huống khó lường theo chiều hướng tiêu cực.

Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink đã đưa ra một số ưu điểm và hạn chế để bạn có thể tự trả lời cho câu hỏi: Liệu có nên quá thân thiết với cấp dưới?

Ưu điểm

Gia tăng sự gắn kết với nhân viên

Nhân viên lúc nào cũng muốn có người sếp tâm lý và biết chia sẻ với mình. Bản thân sếp cũng vậy, luôn muốn tạo môi trường công sở thoải mái, vui vẻ để nhân viên làm việc hiệu quả. Khi ranh giới cấp bậc cao – thấp rút ngắn lại thì sẽ tạo nên mối tương quan mạnh mẽ. Đó không chỉ tăng sự đồng lòng, giúp giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng mà còn là cơ hội để hai bên hiểu nhau và giảm tỉ lệ nhân viên nộp đơn xin nghỉ phép vì chán nản với môi trường làm việc. Điều tích cực rõ ràng nhận thấy nhất chính là năng lực nhân viên sẽ dễ dàng được phát huy, họ sẽ cảm thấy có động lực và tham gia nhiệt tình vào những công việc tập thể.

Học hỏi thêm được nhiều điều từ nhân viên

Khi thân thiết với nhau, thì nhân viên sẽ dễ dàng chia sẻ với sếp những điều khó nói trong cuộc sống cũng như trong công việc. Chỉ có gần gũi với họ bạn mới biết mình đang thiếu sót ở đâu. Lúc đó bạn sẽ tìm được câu trả lời cho các câu hỏi: Liệu mình có đòi hỏi quá cao ở nhân viên? Liệu ý kiến của mình luôn luôn đúng? Liệu mình hoàn toàn hợp lý khi muốn mọi việc phải mang lại kết quả tốt nhất? Mình có hòa đồng với nhân viên không? Mình có tôn trọng và công bằng với mọi nhân viên? Khi đã thật sự hiểu được những điều nhân viên đang cảm nhận, bạn sẽ có cách thay đổi hành vi thích hợp để nhận về sự tin yêu và tôn trọng từ cấp dưới.

Hạn chế

Quá thoải mái sẽ khiến nhân viên quên mất sự tôn trọng với sếp

Một số người quá thân thiết với sếp của mình, thậm chí hay có những câu trêu chọc không đúng mực làm mất sự tôn trọng đối với sếp. Cũng như có trường hợp người khởi đầu việc đùa giỡn khi trao đổi về công việc chính là người quản lý thì sau đó rất khó để nhắc nhở nhân viên phải nghiêm túc. Nghiêm trọng hơn là điều này vô tình còn khiến nhân viên hiểu sai tính chất quan trọng của công việc. Đặc biệt, khi quá thân thiết với cấp dưới nhiều khi sếp sẽ có những quyết định không quyết đoán, mang tính e dè và cả nể, dễ bị tình cảm chi phối. Về phía nhân viên cũng sẽ có suy nghĩ ỷ lại vào những mối quan hệ thân tình đó mà không cố gắng hoặc tỏ thái độ kiêu căng, ngạo mạn với những người khác.

Vô tình gây nên mâu thuẫn nội bộ

Có những người lãnh đạo họ thường khen một ai đó dưới quyền “Bạn cho tôi thấy hình bóng của mình”. Thực tế cho thấy, các nhà quản lý cũng giống như bao con người khác, thường được lập trình theo hướng những gì mà họ thích. Chỉ thích người suy nghĩ giống mình. Và tất nhiên sếp muốn nhân viên đều giống mình về tính cách. Điều này vô tình dẫn đến sự thiên vị từ trong tâm thức của sếp và khơi dậy sự ganh ghét từ phía nhân viên. Nhiều khi lời nói, hay hành động thân thiết một cách vô tình đó lại gây nên những mâu thuẫn nội bộ không thể lường trước được. Và hậu quả nhận về là cả tập thể bị mất cân bằng, tạo nên một nhóm thiếu đoàn kết.

Trước tính hai mặt của vấn đề, khi thân thiết với nhân viên, hãy nhớ một số bí quyết sau:

Cư xử với mọi người một cách công bằng

Bạn cần ý thức được cấp dưới của mình ai cũng cần sự hỗ trợ, giúp đỡ để phát triển chuyên môn lẫn kỹ năng trong công việc. Bạn có thể dành thời gian gặp riêng từng người, từng nhóm truyền đạt những bí quyết riêng của mình, nhưng hãy nhớ giữ gìn điều này một cách công bằng. Điều này cũng giúp cho nhân viên hiểu và không cho rằng bạn đang thiên vị, nâng đỡ riêng một ai.

Quản lý nhân viên: “mềm” và “rắn” song hành

Người ta vẫn nói “Lãnh đạo giống như làm cha mẹ, càng nuông chiều, càng dễ dãi, cho quà nhiều con cái sẽ hư hỏng”. Nghĩa là quản lý nhân viên cần “mềm” và “rắn” song hành và phải phù hợp với mọi hoàn cảnh. Cụ thể, trong công việc, bạn cần giữ sự nghiêm túc, chừng mực. Song, đừng lúc nào cũng thể hiện bằng một khuôn mặt cứng nhắc và nguyên tắc, mà cần xen lẫn thái độ mềm mỏng bằng những một lời hỏi thăm hay tham gia bình luận một chủ đề xã hội có ích cùng nhân viên… Và tất cả điều đó cần được thể hiện ở một chừng mực. Nghĩa là bạn cần kiểm soát lời nói và hành động của mình, xây dựng một hình tượng tốt đẹp về người sếp điềm đạm.

Không nên chơi trò “nhân viên cưng”

Là người quản lý, bạn không nên quá thân thiện với riêng một ai. Vì lúc đó mọi người sẽ tự hình thành trong đầu khái niệm “nhân viên cưng”, cho rằng đồng nghiệp của họ đang được đối xử đặc biệt. Nhưng điều này không có nghĩa bạn không được phép có nhân viên “thân tín”. Vì thế hãy khéo léo, phân định khen – phạt rõ ràng, đừng để điều đó ảnh hưởng đến những quyết định và địa vị của bạn.

Có thể trên cương vị một người sếp, nhiều lúc sẽ cảm thấy cô đơn vì bạn đã tự tạo ra ranh giới giữa cấp trên – cấp dưới. Nhưng hãy chấp nhận nó, vì nếu có kỹ năng tốt với sự thân thiết có chừng mực thì bạn sẽ vừa được lòng nhân viên, vừa giữ được vị trí người quản lý đáng kính, đầy mẫu mực vừa tạo được môi trường công sở lành mạnh. Chúc bạn thành công!

Mai Hương

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN