Chọn trường cho con: “bài toán” chưa bao giờ cũ!

Chọn trường theo kiểu “tất cả vì tương lai con em chúng ta” là quan niệm của nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Cho con học trường nào: công lập, dân lập, quốc tế; học đúng tuyến, trái tuyến… là những nỗi lo quen thuộc và là bài toán không dễ đối với nhiều phụ huynh, nhất là khi con cái chuyển cấp, chuyển trường.

Khi phụ huynh “chọn mặt gửi vàng”

phunungaynay.vn -

Mặc dù chưa đến hè nhưng trên các trang mạng, nhiều phụ huynh trải lòng với nhau về chuyện chọn trường cho con. Những chia sẻ, tranh luận phần lớn đều cảm thấy rất băn khoăn, lo lắng, mất định hướng.

Vợ chồng chị Hà giận nhau mấy ngày chưa làm hòa chỉ vì chuyện chị thì muốn cho con học trường công lập vì tin tưởng bề dày truyền thống giáo dục trong khi chồng lại bắt buộc cho con vào trường quốc tế vì quan niệm “thời đại toàn cầu hóa, không quốc tế dần thì làm sao mà sống được”! Con gái chị năm nay mới vào lớp 1. Không khí căng thẳng cứ thế âm ỉ trong gia đình, khi không ai chịu ai. Đi làm về, đáng lẽ được nghỉ ngơi thì chị Hà và chồng lại liên tục mặt nặng mày nhẹ vì chuyện chuẩn bị cho con đi học.

Không bất đồng quan điểm như vợ chồng chị Hà, vợ chồng chị Trang có con trai chuẩn bị vào cấp 2 nên ngay từ đầu cả hai đã nhất trí cho con vào bằng được trường điểm. Vừa mới qua Tết vợ chồng chị đã chạy đôn chạy đáo tìm hiểu, nhờ vả người quen đủ kiểu nhưng vẫn luôn thấp thỏm và mất ăn mất ngủ vì chưa nhận được “tín hiệu” nào.

Cảnh tượng hàng trăm phụ huynh chen lấn để tranh suất mua hồ sơ cho con và điệp khúc chạy trường vẫn tiếp diễn hàng năm, cho thấy sự mong đợi chọn đúng trường cho con của cha mẹ lớn lao đến mức nào.

Công lập, dân lập hay quốc tế?

Điều cha mẹ quan tâm nhất khi chọn trường cho con là muốn con được học tập và rèn luyện trong một môi trường tốt nhất. Thật ra cả hệ thống công và tư đều có trường tốt và không, đều có điểm mạnh, điểm yếu.

Bỏ ra một khoản học phí đáng giá cả gia tài mỗi năm để đầu tư cho con theo học trường quốc tế, phụ huynh kỳ vọng rất nhiều vào những lợi thế nổi trội của trường so với các trường công lập, dân lập. Không thể phủ nhận rằng so với trường công thì các trường quốc tế có nhiều ưu điểm như: cơ sở vật chất tốt và hiện đại, sĩ số học sinh trong mỗi lớp chỉ khoảng 20 nên việc chăm sóc quan tâm đến các em thường tốt hơn. Bên cạnh đó, áp lực về điểm số không nặng nề như ở trường công, nên nhìn chung các em thường được học hành thoải mái hơn. Ngoài ra, do định hướng giáo dục theo hướng Âu – Mỹ nên các em có vẻ được “tự do” hơn so với học sinh trường công. Chị Ngọc Dung gửi con học một trường quốc tế tại Q.10 thẳng thắn: “Đúng là cho con học tại trường quốc tế tôi phải đóng học phí đắt gấp nhiều lần so với trường công lập nhưng bù lại con được rèn luyện phương pháp học tập chủ động ngay từ đầu. Bé đầu năm nay mới học lớp 3 nhưng nói tiếng Anh chuẩn và lưu loát lắm. Bé út chuẩn bị vào lớp 1, không cần phải suy nghĩ nhiều, cả nhà tôi nhất trí sẽ tiếp tục gửi cháu vào trường quốc tế”.

phunungaynay.vn -

Mặc dù kinh tế khá giả nhưng vợ chồng anh Trung lại quyết định chọn cho con học một trường tiểu học công lập gần nhà. Chia sẻ về điều này anh cho hay: “Tôi chọn trường công cho con vì qua tìm hiểu tôi thấy trường công lập cũng có nhiều ưu điểm, hơn nữa trường lại gần nhà tiện việc đưa đón. Tôi không phủ nhận thế mạnh của trường tư nhưng phải công nhận một thực tế cho con học ở trường quốc tế vẫn còn nhiều điều đáng phải bàn. Nhiều bạn bè tôi gửi con theo học trường quốc tế khá lo lắng về việc trẻ đánh mất tiếng mẹ đẻ, phát triển tính cách ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân”.

Những lưu ý khi quyết định chọn trường cho con

Nhiều phụ huynh vì thiếu kiến thức và chưa định hướng rõ ràng nên việc chọn trường cho con trở nên khổ sở nhưng lại không mang lại kết quả như mong muốn. Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh (chuyên viên tư vấn tại trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc), phải xác định rõ chọn trường là chọn cho con chứ không phải cho mình nên phụ huynh cần phải biết được năng lực, tính cách, tâm lý, hành vi… của con để có thể chọn trường phù hợp. Sau đó cần tìm hiểu những vấn đề sau: chương trình đào tạo (cơ bản, kỹ năng sống, ngoại khóa), phương thức đào tạo, đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy của trường; không gian sinh hoạt, học tập, trang thiết bị gồm sân chơi, phòng học, bếp ăn, nhà vệ sinh; chi phí học tập; vị trí trường có thuận lợi cho việc đưa đón con…

————————————————-

Trẻ ở tuổi vào tiểu học là giai đoạn rất quan trọng để hình thành và phát triển thể chất, tư duy, nhân cách… nên trước khi chọn trường cho con vào lớp 1 bố mẹ cần lưu ý:Trong khả năng có thể, bố mẹ nên chọn cho bé một ngôi trường có không gian rộng rãi, có sân chơi thoáng mát.

– Hãy cho bé được tiếp xúc làm quen với trường học trước khi thực sự bước vào năm học bằng cách cho bé đến tham quan chơi trong ngôi trường bé sẽ học.

– Tập cho bé tự thực hiện một số thao tác tự phục vụ: đi vệ sinh đúng nơi chốn, tự đánh răng rửa mặt, tự sắp xếp đồ chơi, sách vở đúng nơi, lấy chén đũa vào giờ ăn…

-Tạo cho bé sự tự tin khi đi học, giúp bé cảm nhận việc học là một việc làm bình thường như ăn uống vui chơi không có gì đáng sợ.

– Mỗi ngày hãy nói chuyện khoảng 10 phút với bé về niềm vui học tập, khen và động viên những tiến bộ nhỏ nhất của bé trong việc tiếp cận với học tập.

————————————————-

 TP.HCM, Hà Nội đã thí điểm mô hình trường công chất lượng cao nhằm phục vụ một nhóm người có nhu cầu trong xã hội trên nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, trường công chất lượng cao phải đáp ứng 5 yếu tố: cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục đạt chất lượng cao.

————————————————-

 Một số tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc tế:-Chương trình đào tạo được công nhận quốc tế.

-Giáo viên của trường phải đạt tiêu chuẩn phù hợp với chương trình đào tạo. Hiệu trưởng phải được công nhận với các bằng cấp bởi các tổ chức quốc tế uy tín trên thế giới

-Về cơ sở vật chất phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

-Chủ đầu tư phải có uy tín về đầu tư giáo dục và có định hướng rõ ràng dài lâu trong việc phát triển giáo dục.

-Trường phải được giám định bởi những tổ chức giám định uy tín trên thế giới.

LÊ TUYỀN (Phụ Nữ Ngày Nay)

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN