Chộn rộn ngày chủ nhật cuối cùng của năm cũ

Chủ nhật cuối cùng của năm, người tranh thủ ngủ bù, người bắt tay vào làm việc nhà chuẩn bị đón Tết, người hào hứng lên đường về quê…

Chộn rộn ngày chủ nhật cuối cùng của năm cũ

Ảnh minh họa: Duy Trần

Chủ nhật cuối cùng trong năm, thay vì ngủ nướng đến 8h như mọi tuần, chị Minh Phương đặt chuông điện thoại báo thức từ 5h sáng. Một danh sách dài những việc cần làm để chuẩn bị đón Tết khiến chị không thể ngủ thêm. Chị nhẩm tính những công việc phải làm trong ngày: chồng vừa trông con vừa mang xe máy đi sửa, vợ ở nhà làm việc nhà, giải quyết những tồn đọng từ thứ 6 trong chậu rửa bát và máy giặt vào buổi sáng. Buổi chiều vợ chồng cùng các anh chị ra nghĩa trang mời ông nội về ăn Tết cùng gia đình. Buổi tối là kế hoạch đi chơi và ngắm đường Hà Nội. Ngày tiếp theo sẽ là mua sắm quần áo, trang hoàng nhà cửa…

Sự nhẹ nhõm do đã hoàn thành công việc ở công ty cộng thêm ý thức về những thứ cần chuẩn bị cho ngày Tết dường như đã tạo cho chị một nguồn năng lượng đặc biệt khiến chị vô cùng tỉnh táo dù đêm qua 12h mới đi ngủ.

Hôm qua, ngày làm việc cuối cùng, chị phải ở lại công ty để kết thúc dự án dang dở nên 7h mới về đến nhà, anh xã cũng đi đến 10h. Vợ chồng chị thậm chí không có thời gian để tổ chức Valentine lẫn kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Hôm nay, anh chị quyết định bù lại bằng bữa ăn tối ở nhà hàng, đồng thời cũng để xả hơi sau một tuần vất vả.

Là nhân viên kinh doanh của một công ty tại Hà Nội, tuần làm việc vừa qua của chị vô cùng bận rộn. Nghỉ Tết dài, vì thế mọi người đều phải làm dồn việc của ngày Tết. Chị phải mang sẵn một lọ thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và trà đặc để có thể tỉnh táo làm việc. Làm việc với cường độ cao nhưng đến trưa, chị cũng không ngủ mà tranh thủ lướt mạng mua hàng online. Hàng hóa được giao tận tay giúp chị tiết kiệm được nhiều thời gian. Chị cũng đặt mua hàng do các đồng nghiệp mang tới văn phòng bán, đều của nhà hoặc người quen làm nên đảm bảo chất lượng mà giá lại tương đối rẻ. Chỉ ngồi ở văn phòng song chị đã kịp sắm lạp xưởng Cao Bằng, hải sản Quảng Ninh, tôm xuất khẩu, đỗ tương rang và cả mấy cây tulip về cắm Tết. Thậm chí, chị còn cùng các đồng nghiệp mời một thợ may đến tận văn phòng, đặt may một bộ vest.

Chủ nhật cuối cùng của năm với gia đình anh Trịnh (Phú Nhuận, TP HCM) là dịp mà cả nhà được trở lại không khí bình thường, khi anh đã hoàn thành các bữa ăn tất niên với đối tác và bạn bè, còn chị cũng đã chốt sổ sách kiểm toán ở công ty.

Cả nhà anh ra quán cà phê ăn điểm tâm, uống cà phê thư giãn như thói quen của đa số người Sài Gòn trong những ngày cuối tuần. Hai cậu con không phải đi học nên bật dậy rất nhanh trong khi bố mẹ vẫn còn uể oải vì thấm mệt sau một tuần có quá nhiều sự kiện ở công ty. Một tuần qua, gần như gia đình anh không có giờ phút nào tụ họp cả nhà với nhau, chủ yếu do anh đi nhiều quá, ngày nào cũng có tiệc. Tối anh về nhà thì vợ con đã ngủ, sáng anh tỉnh dậy thì vợ con đã đi. Vợ anh phải lo số sách kiểm toán, rồi làm thay việc cho những nhân viên xin nghỉ sớm để về quê ăn Tết nên đi làm sớm hơn ngày thường.

Hai cậu con vừa đánh răng rửa mặt vừa giao hẹn: “Đi chợ hoa bố mẹ nhé, bọn con mong cả tuần rồi đấy”… khiến anh chị muốn lười biếng cũng không được. Vì thế, thay vì đi chơi thể thao như mọi tuần, sau khi ăn sáng, anh đưa vợ con đi dạo chợ hoa ngày Tết như đã hứa. Sau đó, cả nhà vào các cửa hiệu thời trang, chính thức sắm sửa cho ngày Tết.

Với cô dâu trẻ Hương, chủ nhật cuối năm cũng là một ngày vô cùng đặc biệt, khi cô chính thức chung sống với nhà chồng, bắt đầu những ngày đón Tết tại đây. “Vừa hồi hộp, vừa lo lắng, không biết phong tục ăn Tết ở quê chồng thế nào. Thời tiết ở Nghệ An cũng khá lạnh, không biết mình có chịu đựng nổi không khi từ bé đến giờ chỉ sống ở miền Nam”, Hương chia sẻ. Vợ chồng cô mới cưới cách đây một tháng, đám cưới tổ chức ngay tại Sài Gòn, cưới xong, cả hai đi làm luôn. Cô mới chỉ về chơi nhà anh hai lần trước khi cưới và cũng chưa bao giờ ở lại đây quá 3 ngày.

Hôm qua, lúc tàu đi qua Đồng Nai, tâm trạng Hương thật khó tả, bởi như mọi năm, đó là lúc cô được về với bố mẹ. Chồng cầm tay cô, cảm ơn vì đã đồng ý làm vợ anh. “Valentine, lần đầu tiên sau 3 năm yêu nhau, bạn ấy không tặng hoa, không tặng socola, chỉ ngồi sát bên mình, nắm chặt tay mình từ sáng đến tối, thế cũng đủ ấm áp”, cô dâu trẻ viết lên Facebook.

Với chị Bảo (quận 7), chủ nhật cuối năm cũng là một ngày vô cùng ý nghĩa, vì tối nay cả nhà chị sẽ tạm biệt Sài Gòn, lên xe về quê ngoại ăn Tết. Từ ngày sinh con, quê cách TP HCM khoảng 300 km nhưng mỗi năm chị chỉ về một lần vào dịp Tết vì bé Nhím say xe, cứ lên ôtô là nôn trớ. Tối qua, chị đã đóng gói xong hành lý. Cả đêm chị không ngủ được cứ hình dung cảnh chật chội trên xe nhưng vẫn thấy vui vì sắp được gặp bố mẹ.

Công việc chuẩn bị về quê đã xong. Buổi sáng, vợ chồng chị thảnh thơi ngày cuối năm đi ngắm Tết TP HCM. Thậm chí đường hoa Hàm Nghi còn chưa hoàn thành, chồng chị cũng vòng xe máy mấy vòng xung quanh để vợ con được chiêm ngưỡng. Năm nào cũng thế, gia đình chị đều dành một ngày cuối cùng để hồi sức và xả hơi sau những ngày làm việc và sắm đồ cuối năm. Riêng việc dọn dẹp nhà cửa đã được anh chị làm dần ngay từ Tết dương lịch để những ngày giáp Tết Nguyên đán không bị quá tải.

Vnexpress

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN