Dự án thả muỗi Wolbachia có tác động làm giảm đáng kể dịch sốt xuất huyết

Dự án được triển khai với mục đích thử nghiệm hiệu quả của việc đưa vi khuẩn Wolbachia (wMel) vào quần thể muỗi Aedes aegypti tại địa phương, thông qua việc thả muỗi nhiễm vi khuẩn Wolbachia có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở những người từ 3 đến 45 tuổi sống tại Yogyakarta, Indonesia.

Cuộc thử nghiệm “Ứng dụng vi khuẩn Wolbachia để loại trừ bệnh sốt xuất huyết” (AWED), được thực hiện bởi Chương trình Muỗi Toàn Cầu (World Mosquito Program – WMP) từ Đại học Monash cùng với các đối tác tại Indonesia – Đại học Gadjah Mada và các nhà tài trợ cho Quỹ Tahija.

Kết quả của một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy: tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã giảm 77% tại các khu vực của Yogyakarta, Indonesia, nơi có muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Các trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết đã giảm 86% ở các khu vực được thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia. Hiệu quả là tương đương đối với tất cả bốn loại huyết thanh của bệnh sốt xuất huyết.

Hơn ba năm sau khi hoàn thành việc thả muỗi, số lượng vi khuẩn Wolbachia vẫn ở mức rất cao trong quần thể muỗi địa phương. Kể từ khi thử nghiệm, phương pháp Wolbachia đã được triển khai trên toàn bộ thành phố Yogyakarta, và việc thả muỗi đã bắt đầu được thực hiện ở các quận lân cận, với dân số 2,5 triệu người.

s1Thử nghiệm Wolbachia đem lại kết quả ấn tượng tại Indonesia

Kết quả này trùng khớp với các thử nghiệm về phương pháp Wolbachia trước đây, cho thấy việc giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết được duy trì trong thời gian dài khi vi khuẩn Wolbachia tồn tại trong quần thể muỗi địa phương. Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi gây ra có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Hằng năm, có hơn 50 triệu ca bệnh xảy ra trên toàn cầu.

Các nghiên cứu cho thấy phương pháp Wolbachia cũng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa sự lây truyền của virus Zika, chikungunya (còn gọi là sốt còng lưng), sốt vàng da và các bệnh do vector truyền khác.

Indonesia là nơi có tỷ lệ nhiễm sốt xuất huyết cao. Các ước tính gần đây cho thấy, có gần 8 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm. Trong 5 năm trước khi thử nghiệm chương trình AWED, Văn phòng Y tế quận Yogyakarta nhận được thông báo có hơn 4500 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đầy đủ gánh nặng thực sự của bệnh sốt xuất huyết đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội. Các nghiên cứu đã ước tính rằng, trung bình có 14.000 ca sốt xuất huyết, bao gồm 2000 ca nhập viện ở Yogyakarta mỗi năm trước khi có chương trình Wolbachia.

Giáo sư Adi Utarini từ Đại học Gadjah Mada - Nghiên cứu viên của thử nghiệm Wolbachia tại IndonesiaĐồng nghiên cứu viên chính của thử nghiệm, Giáo sư Adi Utarini từ Đại học Gadjah Mada, cho biết: “Đây là một thành công lớn đối với người dân Yogyakarta. Tại Indonesia có hơn 7 triệu ca sốt xuất huyết mỗi năm. Thành công của thử nghiệm cho phép chúng tôi mở rộng dự án trên toàn bộ thành phố Yogyakarta và sang các khu vực lân cận. Chúng tôi nghĩ rằng có một tương lai có thể sẽ tới lúc cư dân của thành phố tại Indonesia không còn mắc bệnh sốt xuất huyết”.

Thử nghiệm Wolbachia đem lại kết quả ấn tượng tại Indonesia
Thử nghiệm Wolbachia đem lại kết quả ấn tượng tại Indonesia

Đồng nghiên cứu viên chính, Giáo sư Cameron Simmons từ Đại học Monash cho biết, “Kết quả thử nghiệm này cho thấy tác động đáng kể của phương pháp Wolbachia trong việc giảm thiểu bệnh sốt xuất huyết ở người dân thành thị. Kết quả này cũng cho thấy vi khuẩn Wolbachia có thể là một bước đột phá – một giải pháp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết mới, an toàn, bền vững và hiệu quả mà thế giới đang cần tới”.

Giám đốc Chương trình WMP, Giáo sư Scott O’Neill chia sẻ, “Đây là kết quả mà chúng tôi vẫn hằng mong đợi. Chúng tôi có bằng chứng chứng minh phương pháp Wolbachia là an toàn, bền vững và làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết. Nó khiến chúng tôi tự tin về tác động tích cực mà phương pháp này sẽ mang lại trên toàn thế giới khi được triển khai tại các cộng đồng có nguy cơ mắc các loại bệnh truyền nhiễm do muỗi”.

s2Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được nuôi trong phòng thí nghiệm của chương trình WMP

Giám đốc Đánh giá tác động của WMP, Tiến sĩ Katie Anders cho biết, “Có rất ít cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên về các biện pháp chống lại muỗi sốt xuất huyết. Các kết quả của thử nghiệm này từ Yogyakarta đã đưa ra kết luận rằng vi khuẩn Wolbachia có tác dụng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết và số lần nhập viện do sốt xuất huyết. Điều này phù hợp với những gì chúng tôi đã thấy từ các nghiên cứu không ngẫu nhiên trước đây ở Indonesia và miền bắc Australia, và các dự đoán mô hình dịch tễ học về gánh nặng bệnh sốt xuất huyết đã giảm đáng kể sau khi triển khai dự án Wolbachia”.

Nhà thống kê độc lập của Thử nghiệm AWED, Giáo sư Nicholas Jewell, Giáo sư Khoa Thống kê sinh học và Dịch tễ học tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London (và cũng là Giáo sư Cao học tại Đại học California, Berkeley) cho biết “Kết quả này thật triển vọng. Mọi chuyện còn thú vị hơn khi thiết kế thử nghiệm được sử dụng ở đây cung cấp một khuôn mẫu mà các biện pháp can thiệp sức khỏe khác có thể noi theo”.

Tiềm năng triển khai dự án Wolbachia trên nhiều cộng đồng đã được Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, trong đó Tổ chức Tư vấn Kiểm soát Vector đã tuyên bố “Wolbachia thể hiện giá trị của sức khỏe cộng đồng chống lại bệnh sốt xuất huyết” trong báo cáo của Hội nghị lần thứ 14 vào tháng 12 năm 2020.

Chương trình Muỗi Toàn Cầu WMP (trước đây được gọi là Chương trình Loại trừ sốt xuất huyết toàn cầu) được thành lập tại Việt Nam vào năm 2006 dưới sự giám sát của Bộ Y tế. WMP đã thả muỗi Wolbachia tại hai địa điểm tại Việt Nam, với quy mô 16.808 người. Việt Nam và WMP đang có kế hoạch triển khai thêm các điểm dự án Wolbachia ở miền Nam Việt Nam vào cuối năm 2021.

Thử nghiệm “Ứng dụng vi khuẩn Wolbachia để loại trừ bệnh sốt xuất huyết” (AWED) ở Yogyakarta, IndonesiaMười hai trong số hai mươi bốn khu vực có quy mô tương tự, thuộc thành phố Yogyakarta đã được chọn ngẫu nhiên để tiếp nhận các đợt triển khai wMel Wolbachia bên cạnh các biện pháp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết thông thường; 12 khu vực còn lại tiếp tục nhận được các nỗ lực kiểm soát sốt xuất huyết định kỳ. Khu vực thử nghiệm có tổng dân số xấp xỉ 312.000 người .Thử nghiệm thu hút 8.144 người tham gia từ 3 đến 45 tuổi đến khám tại một trong 18 phòng khám chăm sóc sức khỏe, với tình trạng sốt cấp tính không phân biệt kéo dài từ 1 đến 4 ngày. Một thiết kế âm tính với xét nghiệm đã được sử dụng để đo lường hiệu quả của wMel trong việc giảm tỷ lệ các trường hợp sốt xuất huyết trong khoảng thời gian 27 tháng. Việc triển khai Wolbachia đã được cộng đồng chấp nhận tốt và không có lo ngại về tính an toàn.

Thử nghiệm này là đỉnh cao của một thập kỷ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực địa, bắt đầu ở Úc và sau đó mở rộng sang 11 quốc gia có bệnh sốt xuất huyết.

Phương pháp tự duy trì Wolbachia

Phương pháp Wolbachia hoạt động bằng cách đưa vi khuẩn Wolbachia vào loại muỗi Aedes aegypti – thủ phạm lan truyền virus sốt xuất huyết, chikungunya, Zika và sốt vàng da. Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia này được thả ở những nơi có dịch bệnh lưu hành. Một khi muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được phóng thích, chúng sẽ sinh sản với muỗi bản địa. Theo thời gian, tỷ lệ muỗi mang Wolbachia phát triển cho đến khi được duy trì ở mức cao mà không cần phải thả thêm muỗi. Phương pháp tự duy trì này mang lại một giải pháp an toàn, hiệu quả và lâu dài để giảm gánh nặng của dịch bệnh.

Chương trình WMP đã cam kết sẽ chuyển giao kiến thức và công cụ cần thiết để sản xuất và thả muỗi mang Wolbachia trên quy mô lớn cho tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bởi bệnh sốt xuất huyết. Mục tiêu của chúng tôi là giúp thúc đẩy việc mở rộng quy mô của phương pháp độc đáo ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết này một cách nhanh chóng trong thập kỷ tới. WMP đặt mục tiêu hợp tác với các chính quyền quốc gia và địa phương, các chương trình của doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện và các tổ chức phi chính phủ để mở rộng dự án Wolbachia trên toàn thế giới. Đến nay, WMP đã tiến hành chương trình ở 11 quốc gia Châu Á, Úc, Châu Mỹ Latinh và Thái Bình Dương. Ước tính hiện nay có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi từ dự án Wolbachia.

Chương trình Muỗi Toàn Cầu (WMP)

Với mục tiêu bảo vệ cộng đồng toàn cầu khỏi các bệnh do muỗi gây ra, Chương trình WMP, trước đây là Chương trình Loại trừ sốt xuất huyết toàn cầu, là một sáng kiến phi lợi nhuận do Giáo sư Scott O’Neill tại Đại học Monash, Úc lãnh đạo. Đây là một phương pháp an toàn, tự nhiên và hiệu quả để giảm bớt mối nguy hại của các loại vi rút như Zika, sốt xuất huyết, chikungunya và sốt vàng da. Thông qua sự hợp tác và cải tiến, chúng tôi đang giúp bảo vệ các cộng đồng địa phương ở Úc, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Quần đảo Thái Bình Dương khỏi những căn bệnh này. Sau nhiều năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thực địa với kết quả đầy hứa hẹn, Chương trình WMP hiện đang hoạt động tại 11 quốc gia.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN