Phục hồi làn môi mềm mịn mùa hanh khô

Giữ cho môi luôn đủ độ ẩm là thói quen tốt bạn cần phải có. Khi thời tiết đã bắt đầu khô và chuyển lạnh, làn môi của bạn càng cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Cùng bác sĩ Phan Xuân Trung (BV Y khoa) tham khảo các cách để giữ gìn môi luôn mềm mượt ngay cả trong mùa hanh khô.

3_son_handmade

Vì sao chăm sóc môi khác chăm sóc da mặt? (Cẩm Tú, HN)

Da môi rất khác với da mặt và các phần da khác trên cơ thể. Da trên cơ thể có rất nhiều lớp, nhiều tuyến mồ hôi và các lỗ chân lông, sản sinh ra melanin; chất này tạo nên một lớp da rám nắng có vai trò như một màn chắn bảo vệ các lớp da bên trong khỏi bị phá hủy bởi các tia cực tím khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trái lại, da môi có rất ít sắc tố melanin nên môi ít được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Môi cũng không có tuyến nhờn, dễ bị khô.

Môi tôi hay bị khô, có cách khắc phục nào không? (Thanh Chung, Q.3)

Khô, nứt là hiện tượng thiếu nước, có thể do: không khí ngoài trời khô và lạnh, không khí trong nhà khô và nóng, ánh nắng mặt trời quá gắt, thở bằng miệng thay vì thở bằng mũi và liếm môi khi môi khô, cách này làm cho môi bị viêm nhiễm vì da môi mất đi lớp dầu bảo vệ tự nhiên của nó.

Bạn có thể dùng kem bôi Vaseline để khắc phục nhanh chóng tình trạng môi khô nẻ. Tuy nhiên, để tránh việc lúc nào cũng phải mang lọ kem Vaseline, bạn có thể thấm ướt một góc khăn bông (hoặc giấy ướt) và chà xát vào môi (có thể chà thật mạnh nếu cần thiết) để tẩy đi các lớp da khô và chết. Bạn có thể bị đau nhưng biện pháp này giúp môi bạn không bị khô trong suốt một mùa. Lưu ý: biện pháp này không thích hợp với những đôi môi nhạy cảm.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức khỏe của môi. Nếu bạn thấy môi bị nứt bóc ra hoặc bị khô nẻ tức là bạn đang thiếu vitamin B. Hãy bổ sung vitamin B từ lúa mì non, lúa mạch, đậu nành, ngó sen, nho khô, đu đủ, mít, dứa và rau diếp.

moi

Môi tôi thường bị đau, không biết tôi có mắc bệnh gì không? (Hồng Huệ, Q. Tân Phú)

– Kiểm tra xem bạn có mắc các bệnh về lợi không. Nếu đó là nguyên nhân gây ra đau môi thì nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn các biện pháp chữa trị và vệ sinh miệng đặc biệt.

– Có thể bạn bị dị ứng với thành phần propyl gallate có trong son môi.

– Kem đánh răng chứa guaiazulene hoặc natri lauryl sulfat có thể là thủ phạm. Hãy kiểm tra thành phần kem đánh răng trên vỏ hộp và tốt hơn hết là nên tránh những loại kem đánh răng có chứa hai chất trên.

– Dị ứng với nickel cũng là một trong những nguyên nhân gây đau môi. Hãy nhớ, đừng để miệng tiếp xúc với các vật thể kim loại như những chiếc kẹp giấy chẳng hạn.

– Thành phần phenyl salicylate (còn gọi là salol) trong các sản phẩm dưỡng môi có thể là tác nhân gây dị ứng môi. Bạn có thể khắc phục, làm giảm sự kích ứng với hóa chất này bằng cách uống vitamin B12.

– Xăm môi, hay cắn và liếm môi, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp… đều có thể là nguyên nhân làm môi bị tổn thương.

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN