10 câu nói của cha mẹ có thể làm hại tương lai con

Trách con là bố mẹ vất vả vì mình mà vô ơn, khuyên con trai không làm mất lòng phái yếu, chê con không đẹp… đều là những lời nên cân nhắc trước khi thốt ra.

Trong nhà này con chẳng có cái gì hết

Một số phụ huynh tin con sẽ không có nhân cách riêng cho đến khi chúng có thể tự trang trải tài chính. Vì vậy, trước khi đứa trẻ làm ra tiền, họ phớt lờ ý kiến, cảm xúc và nhu cầu của con.

Quan niệm một người sẽ không là ai cho đến khi họ tự kiếm tiền đã sản sinh ra một thế hệ nghiện công việc.

Những đứa trẻ từ thời thơ ấu đã thấm nhuần suy nghĩ không có gì trong ngôi nhà của cha mẹ là của mình sẽ không bao giờ có cảm giác an toàn. Tuổi thơ của chúng bị đánh cắp, trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi vì cảm giác tội lỗi, xấu hổ và lòng tự trọng bị tổn thương.

n1Thái độ như vậy sẽ khiến một thiếu niên muốn nhanh chóng rời xa cha mẹ. Dù chỉ có một căn phòng nhỏ, thiếu thốn, thậm chí ở ký túc xá, chúng vẫn ảo tưởng đó là nơi “riêng” của mình. Khi đó, họ sẽ lao vào làm việc để kiếm tiền vì đó là cách duy nhất để cảm thấy có ý nghĩa.

Người lớn đang nói chuyện, con tránh xa ra

Với nhiều cha mẹ, con cái luôn là một đứa trẻ ngây thơ, không quan trọng chúng 5 tuổi, 15 tuổi hay 50 tuổi. Họ cho rằng con không thể trò chuyện nghiêm túc với người lớn và việc chúng bày tỏ quan điểm cá nhân về bất cứ điều gì cũng là quá sớm.

Những cha mẹ này không coi con họ là một cá thể riêng và đáng tiếc là mọi đứa trẻ đều cảm nhận được điều đó.

Sau nhiều năm, con sẽ ngại ngùng khi bày tỏ ý kiến của mình trước người lớn (giáo viên hay sếp). Con sẽ nghĩ suy nghĩ của chúng là tầm thường và không đáng được quan tâm. Trí thông minh trong học tập không dám bộc lộ, đường xây dựng sự nghiệp gặp nhiều trắc trở, một phần bởi câu nói trên.

Con không nên làm mất lòng phụ nữ

Đây có vẻ là một lời khuyên đúng đắn. Người đàn ông thực sự nên bảo vệ phái yếu, giúp đỡ và nhượng bộ họ. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp cho đến thời điểm con gái bắt đầu sử dụng đặc quyền của mình để lợi dụng con trai hoặc có những hành vi sai trái. Nếu được bố mẹ khuyên vậy, con trai bạn chỉ biết đứng nhìn và để cho các cô gái trêu chọc.

Cuối cùng, họ trở thành những người đàn ông sợ phụ nữ, không biết cách từ chối, kể cả biết đối phương đang đi quá giới hạn.

Con làm hỏng mọi thứ

Rất ít người có thể làm tốt điều gì đó khi nó hoàn toàn mới mẻ hoặc họ mới thử vài lần. Việc mắc lỗi là bình thường, nhất là với những đứa trẻ. Sẽ là không bình thường nếu cha mẹ đổ trách nhiệm lên con khi chúng mắc sai lầm. Xét cho cùng, nếu cha mẹ không dạy con thì đó không phải lỗi của đứa trẻ.

Việc ngày ngày nghe thấy câu “Con làm gì cũng hỏng” sẽ khiến đứa trẻ ngừng cố gắng thành công. Thậm chí, con có thể coi mình là nguồn gốc của mọi vấn đề cha mẹ gặp phải. Trong đầu chúng, ý nghĩ mình không đủ tốt và không xứng đáng được yêu thương hay được quyền sống sẽ nhen nhóm trong đầu.

Con muốn quá nhiều

“Con sẽ xoay sở thế nào chứ”, “Con đòi hỏi quá nhiều”… là cụm từ cha mẹ hay thốt ra khi con nói về những kế hoạch của chúng. Cách nói này khiến bọn trẻ quên đi ước mơ và mong muốn của mình – không phải vì con không thể thực hiện mà vì cha mẹ cho rằng không cần thiết.

Dần dần, đứa trẻ ngừng ước mơ vì nghĩ mọi thứ sẽ không bao giờ thành hiện thực. Thay vì ấp ủ được tặng một con búp bê dưới cây thông Noel, họ sẽ nhận được một chiếc áo len. Thay vì ăn nhẹ bên ngoài, mẹ sẽ nói “Ăn ở nhà thôi” (ngay cả khi tiền không phải vấn đề của gia đình). “Vì sao hở mẹ?”. “Vì mẹ quyết định như vậy – đó là lý do tại sao”.

Nếu mẹ không nhớ thì coi như không có

Việc phủ nhận sự kiện có thật được xem là một hình thức bạo lực tâm lý. Tuy nhiên, trong thời thơ ấu, nhiều người chúng ta hay nghe câu: “Đều do con tưởng tượng thôi! Không bao giờ có chuyện đó đâu”, từ cha mẹ mình – khi họ không muốn thừa nhận sai lầm.

Cách nói đó làm đứa trẻ nghi ngờ nhận thức của mình về thực tế và sự hữu ích của trí nhớ. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tin tưởng bản thân và thế giới, bởi ngay cả bố mẹ vẫn làm chúng tưởng mình nhớ những điều “chưa bao giờ xảy ra”.

n2Con lớn hơn em

Khi có một đứa em, những đứa trẻ anh, chị thường phải lớn nhanh hơn. Trong mắt cha mẹ, đứa lớn mất đi quyền được làm trẻ nhỏ ngay cả khi chênh lệch tuổi giữa các con không quá lớn. Trách nhiệm nhất định được giao cho nó: con phải khôn ngoan và độc lập hơn, dù nó mới 2-3 tuổi.

Trưởng thành sớm và gượng ép không tốt cho bất kỳ ai. Đứa trẻ trưởng thành sớm có thể thích nghi nhanh hơn, đạt nhiều thành tích, nhưng cái giá của sự thành công sẽ là một tuổi thơ mất mát và giận giữ trong tiềm thức với cha mẹ và em. Nó không góp phần làm cho mối quan hệ gia đình ấm áp theo bất kỳ cách nào và là trở ngại tâm lý trong việc xây dựng gia đình riêng về sau.

Con sẽ chẳng làm nên việc gì

Bố mẹ không tin tưởng sẽ ảnh hưởng lớn đến lòng tự trọng của con. “Ai sẽ tin tôi nếu cha mẹ tôi nghĩ con không có khả năng gì?”.

Nếu bạn tiếp tục áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ con một cách thường xuyên, chúng sẽ hằn trong đầu nếp nghĩ: “Mình có điều gì đó không ổn”. Đã có rất nhiều người mất nhiều năm để trị liệu mới vượt qua được cảm giác này.

Ở tuổi trưởng thành, cha mẹ càng không tin, con sẽ thường hành xử theo cách ngược lại. Hoặc là chúng sẽ bỏ cuộc trước mà không cố gắng đạt được điều gì (vì tin được lập trình để thất bại) hoặc chúng dành cả cuộc đời để chứng minh cha mẹ đã sai.

“Chà, con không xinh”

Cha mẹ là chiếc gương đầu tiên mà đứa trẻ nhìn vào để biết chúng là người thế nào. Nếu cha mẹ liên tục nói tóc con quá mỏng, móng tay con không thẳng, mũi con như củ khoai tây, trẻ sẽ tin mình như vậy.

Bạn không cần nói dối con về ngoại hình, nhưng nêu bật điểm tốt và vạch ưu điểm ngoại hình sẽ tốt hơn. Biết ưu điểm sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn, trong khi sự không hoàn hảo sẽ khiến chúng thành người dè dặt, tự ti.

Bố mẹ vất vả vì con mà con lại vô ơn

Cha mẹ làm việc chăm chỉ để con có cuộc sống tốt hơn. Với nhiều người, con là trung tâm vũ trụ của họ, cả thế giới chỉ xoay quanh đứa trẻ.

Không phải lúc nào chúng cũng cần trả hết món nợ này cho cha mẹ vì những thứ đã đầu tư. Suy cho cùng, đó là quyết định của người làm cha mẹ, trẻ không lựa chọn.

Khi cha mẹ nói câu đó, trẻ luôn nghĩ gánh gặng trách nhiệm trên vai mình quá lớn và thấy tội lỗi vì không được như kỳ vọng. Con sẽ có cảm giác như đang sống “với một khoản vay”, thay vì tận hưởng cuộc sống.

Nguồn: Brightside

Nhật Minh (Theo Vnexpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN