3 tháng khổ luyện múa với đĩa và lửa của cô giáo Việt trên đất nước Indonesia

Trở về từ Indonesia, Nguyễn Thị Hậu luôn suy nghĩ về chuyện bằng cách nào mà các nghệ sĩ vùng Padang trong 3 tháng biến cô từ tờ giấy trắng về âm nhạc và múa, thành một vũ công duyên dáng trên sân khấu.

Nguyễn Thị Hậu, giáo viên tiếng Anh 27 tuổi đến từ Hà Nội, mặc trang phục truyền thống Indonesia trong khuôn khổ chương trình Học bổng Nghệ thuật và Văn hóa Indonesia năm 2019 - Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Hậu, giáo viên tiếng Anh 27 tuổi đến từ Hà Nội, mặc trang phục truyền thống Indonesia trong khuôn khổ chương trình Học bổng Nghệ thuật và Văn hóa Indonesia năm 2019 – Ảnh: NVCC

Trong đêm diễn tổng kết của chương trình Học bổng Nghệ thuật và Văn hóa Indonesia (IACS) hôm 13-8 ở Banyuwangi, Hậu xuất hiện rực rỡ trong trang phục đỏ chói, trang sức lấp lánh, gương mặt xinh đẹp và những động tác múa uyển chuyển không thua kém những người bạn đến từ Indonesia và 10 quốc gia khác trên thế giới.

Nhưng Hậu khác các bạn – những người có nền tảng nghệ thuật. Cô giáo tiếng Anh quê Thanh Hóa được đại sứ Indonesia tại Việt Nam, ông Ibnu Hadi, chọn tham gia chương trình chỉ dựa trên khả năng giao tiếp.

72 bạn trẻ đến từ 40 quốc gia sau khi tề tựu ở Indonesia hồi tháng 5, được chia làm 6 nhóm đến 6 thành phố để học các điệu múa truyền thống, tìm hiểu văn hóa và đời sống của người dân đất nước vạn đảo.

Cùng nhóm về thành phố Padang, thủ phủ tỉnh Tây Sumatra, Hậu không ngờ trải nghiệm này thay đổi con người mình nhiều đến vậy.

Hậu luyện tập với đĩa và lửa trong những ngày ở trung tâm đào tạo ở Padang, Indonesia - Ảnh: NVCC
Hậu luyện tập với đĩa và lửa trong những ngày ở trung tâm đào tạo ở Padang, Indonesia – Ảnh: NVCC

Vỡ đĩa liên tục, không sao! 

Lần đầu xem các điệu múa mình sẽ tập, trong đó có múa đĩa – Tari Piring, Hậu và các bạn đều lắc đầu “không làm được đâu”. Trong nhóm có những vũ công chuyên nghiệp, nhưng vẫn bị khớp vì khó mà giấu được những động tác đặc trưng trong vũ đạo nước mình như Ấn Độ, Thái Lan. Còn người lần đầu học múa như Hậu trầy chân bầm tay, làm rơi vỡ đĩa, thậm chí giẫm vào và đổ máu.

Ban đầu lóng ngóng, các học sinh ngại ngùng, có bạn làm vỡ nhiều quá không tránh khỏi tâm lý ức chế, căng thẳng, thất vọng với bản thân, đã đề nghị dùng đĩa nhựa để tập. Nhưng ibu (“mẹ” trong tiếng Bahasa Indonesia) trưởng trung tâm đào tạo múa ở Padang thẳng thắn: “Các con cứ đập đi, không có vấn đề gì cả”.

Ibu là một nghệ sĩ lớn ở Padang và Indonesia, trung tâm của bà thường xuyên lưu diễn quốc tế. Các thầy cô trực tiếp thị phạm cho nhóm học sinh IACS đều là học trò của ibu, những nghệ sĩ trẻ vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi sư phạm.

Những ngày sống ở Padang với ibu và các bạn là kỷ niệm đẹp không thể quên của Hậu (thứ tư bên trái) - Ảnh: NVCC
Những ngày sống ở Padang với ibu và các bạn là kỷ niệm đẹp không thể quên của Hậu (thứ tư bên trái) – Ảnh: NVCC

Tập múa ngày đêm, các học sinh đều bị đau đầu gối đến không ngủ được. Nhưng họ bảo nhau, mình đau như vậy thì các thầy cô, mỗi động tác phải hướng dẫn cho 12 học sinh, còn đau hơn nhiều. Có lúc thầy khuỵu xuống khi đang tập nhưng không kêu ca gì. Nhìn thấy vậy, các học sinh chẳng dám kêu nữa, kiên trì luyện tập.

“Tôi biết bạn làm được”

Ibu cũng giải thích cho các bạn trẻ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Úc, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hàn Quốc… ý nghĩa của những điệu múa truyền thống mà họ đang tập.

Tari Piring – múa đĩa – là chuyện người vợ mang đồ ăn ra đồng cho người chồng đang lao động vất vả. Từng động tác múa là hình tượng hóa những cử chỉ chu đáo của người vợ: đuổi chim, côn trùng để giữ đồ ăn, dâng lên thánh thần trước khi người chồng ăn, thận trọng bước trên ruộng lúa trong đêm dưới ánh lửa soi đường…

Còn trong điệu múa Tari Indang, các vũ công ngồi sát nhau, động tác nhanh, liên tục nhưng không ai chạm vào ai.

Đó chính là tinh thần của cả đất nước Indonesia: đông dân, nhiều sắc tộc, tôn giáo, chung sống xen kẽ, nhưng khi mỗi người khéo léo, quan tâm đến người khác, thì cuộc sống dù chật chội vẫn không có xung đột.

Hậu (trái) cùng các bạn học sinh quốc tế luyện tập ở Padang, Indonesia - Ảnh: NVCC
Hậu (trái) cùng các bạn học sinh quốc tế luyện tập ở Padang, Indonesia – Ảnh: NVCC

“Cách sống, cách làm việc của con người ở Padang đều vậy, ung dung, chậm rãi, không sốt ruột, không giục giã. Phong cách ‘bình tĩnh, mọi việc đều sẽ được giải quyết’ thể hiện trong chính việc học múa của chúng em”, Hậu nói.

Múa như người bản địa 

Múa đĩa Tari Piring của Padang là một trong những tiết mục khó nhất của chương trình IACS, không chỉ giữ đĩa trên tay trong lúc múa, có vũ công, bao gồm Hậu, còn phải đội những chiếc mũ rất nặng, và đặc biệt là có sử dụng lửa.

Không khỏi lo ngại yếu tố an toàn, ban tổ chức đêm diễn tổng kết đã định loại bỏ phần này, nhưng sau khi xem nhóm Padang diễn thử, ban tổ chức bị thuyết phục hoàn toàn. Cả hai tiết mục của Hậu và các bạn trong đêm diễn Indonesia Channel đã diễn ra hoàn chỉnh, suôn sẻ, để lại ấn tượng mạnh.

Nguyễn Thị Hậu với đĩa và mũ gắn lửa trong tiết mục Tari Piring trên sân khấu đêm diễn Indonesia Channel tối 13-8 tại Banyuwangi, Indonesia - Ảnh: TC
Nguyễn Thị Hậu với đĩa và mũ gắn lửa trong tiết mục Tari Piring trên sân khấu đêm diễn Indonesia Channel tối 13-8 tại Banyuwangi, Indonesia – Ảnh: TC

“Đến giờ em mới hiểu, tinh thần chính là như vậy, cứ làm đi, sẽ làm được. Sau 3 tháng đó, em biết bản thân mình cũng đã trở thành một con người khác”, Hậu cười tươi khi kể xong câu chuyện của mình.

Và cô giáo tiếng Anh sinh năm 1991 cũng hiểu ra lý do mình được chọn đi Indonesia: “Dù chương trình là về nghệ thuật và văn hóa, điều cần nhất ở người tham gia chính là tinh thần cởi mở, thích nghi và học hỏi”.

Theo tuoitre.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN