Cẩn thận thịt nhiễm chất cấm trên thị trường

Thông tin thịt lợn có chất cấm tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang bởi trong cơ cấu các loại thịt sử dụng trong bữa ăn người Việt thì thực phẩm này chiếm hơn 70% (còn lại là thịt gia cầm và thịt bò).

Tại cuộc họp ngày 28/9, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, cho biết qua kiểm tra ngẫu nhiên 9 mẫu thịt lợn lưu thông trên thị trường đã phát hiện 3 mẫu dương tính với chất cấm (thuộc nhóm Beta-agonist gồm Salbutamol, Ractopamine, Clenbuterot). Ba mẫu thịt này có nguồn gốc từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trước đó, vào đầu năm 2015, kết quả giám sát mối nguy an toàn thực phẩm trong thịt lợn do Viện Y tế công cộng TP HCM thực hiện cũng phát hiện có 4/15 mẫu thịt sống bị nhiễm chất tăng trọng Salbutamol.

Trong 4 mẫu thịt chứa chất cấm, có một mẫu lấy tại một siêu thị lớn ở quận 8, các mẫu còn lại được lấy tại cửa hàng và điểm bán lẻ ở quận 2, 8 và Bình Thạnh. Điều này cho thấy xác suất người tiêu dùng ra chợ mua phải thịt lợn chứa chất cấm không hề nhỏ.

Ông Phan Xuân Thảo nêu thực tế hiện nay, việc lấy mẫu kiểm tra tồn dư chất cấm trên thịt tươi chỉ dừng lại ở việc kiểm tra giám sát, chưa có cơ sở để tạm giữ, xử lý nên phải cho tiêu thụ thịt trong quá trình giám sát.

Nguyên nhân do thời gian đợi kết quả xét nghiệm định lượng có giá trị về pháp lý để xử lý vi phạm và công bố mẫu vi phạm phải mất từ 3-7 ngày, trước đó còn phải mất khoảng 36 giờ để kiểm tra định tính (xay mẫu, đồng nhất mẫu và tách chiết mẫu).

Trong khi đó, việc giết mổ, phân phối và tiêu thụ thịt trên thị trường diễn ra rất ngắn (ngay trong đêm) nên khi xác định mẫu thịt dương tính với chất cấm thì toàn bộ sản phẩm đã được xuất bán, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trường hợp cơ quan chức năng tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ phân tích định lượng nếu kết quả xét nghiệm âm tính dễ xảy ra tranh chấp, bồi thường thiệt hại.

“Những khó khăn trên đã tạo kẽ hở cho các thương nhân lợi dụng. Trước việc TP HCM tăng cường kiểm tra chất cấm tại các lò mổ, họ đang chuyển hướng đưa lợn đi giết mổ ở các địa phương lân cận rồi vận chuyển thịt về TP HCM tiêu thụ để né kiểm soát.

Do đó, Chi cục thú y thành phố đã có báo cáo các cấp lãnh đạo, trong đó có Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm để đủ lực kiểm soát tình hình, tránh bị động, bảo đảm sức khỏe cho người dân”, ông Thảo nói.

Kiểm tra ngẫu nhiên 9 mẫu thịt heo lưu thông trên thị trường đã phát hiện 3 mẫu dương tính với chất cấm.
Kiểm tra ngẫu nhiên 9 mẫu thịt heo lưu thông trên thị trường đã phát hiện 3 mẫu dương tính với chất cấm.

Phân biệt thịt lợn chứa chất tạo nạc bằng mắt thường

Để tránh mua phải thịt lợn có chứa chất tạo nạc clenbuterol, người tiêu dùng cần hết sức lưu ý, đối với lợn nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng hẳn, khi lợn còn sống da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong.

Khi chọn thịt cần tránh loại có lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm). Khi thái thịt, nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc.

Khi mua thịt cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc. Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.

Bên cạnh các loại thịt lợn có thể được nuôi bằng chất tạo nạc, thịt lợn trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều loại được tạo bằng các giống lợn cao nạc hoặc giống siêu nạc và có giá trị dinh dưỡng cao. Mặc dù thường rất khó để phân biệt đâu là thịt lợn từ giống siêu nạc với thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc.

Tuy nhiên, khi mua người tiêu dùng quan sát để chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.

Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Nguồn Đời Sống & Pháp Luật

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN