Thải độc chì cho da dưới góc nhìn của bác sĩ da liễu

Chuyện là…

Hôm trước tôi có dịp xuống Củ Chi chơi, trưa nắng mệt mỏi quá lại chả có chỗ nào để ngả lưng được. Thế là hai đứa nháy mắt nhau rồi tót ngay vào tiệm spa gần đó để vừa được mát mẻ, vừa được nằm phỡn ra chăm sóc da và massage mặt.

Giọng em gái ôi sao mà ngọt như ly nước mía rót vào lòng, em gái vui tươi hỏi chị ơi em hút chì cho chị để da đẹp và phòng sạm nám nhé. Cô bạn đi cùng ô một tiếng bảo hay thế à vậy làm đi em. Em gái vừa dùng máy di di nhè nhẹ sương sướng trên mặt vừa giải thích lý do tại sao cần hút chì. Làm tầm gần một tiếng thì xong, em lấy bông lau mặt thì thấy cục bông đen xì, rồi giải thích đó là chì đã được hút ra khỏi da. Tuy nhiên, cô gái nhỏ tỏ ra lúng túng và thừa nhận mình không am hiểu lắm vì sao lại hút được chì ra, mà chỉ được học cách làm từ Spa khác. 

Nhiễm chì là gì?

Nhiễm độc chì là tình trạng cơ thể bị tích lũy một số lượng chì lớn trong thời gian dài, gây ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí có thể gây tử vong.

1444624993537_7611365_1024x1024_2

Cơ thể con người bị nhiễm chì như thế nào?

Chì là một loại độc tố kim loại nặng có ở khắp nơi xung quanh chúng ta: môi trường ô nhiễm, khí thải từ các động cơ đốt và nhà máy, thực phẩm bẩn được nuôi trồng ở nơi ô nhiễm… Ít người biết rằng các loại mỹ phẩm (son môi và phấn trang điểm) kém chất lượng cũng tiềm ẩn lượng chì khá cao vì chì giúp làm tăng độ bám của sản phẩm trên da.

Chì xâm nhập vào cơ thể qua ba con đường chính: Hô hấp, tiêu hóa và thẩm thấu qua da – niêm mạc. Hầu hết chúng ta đều cho rằng: giả sử như đúng thật có chì ở dưới da, thì chắc hẳn 99% lượng chì đó sẽ đến từ việc thoa mỹ phẩm kém chất lượng. Nhưng sự thật là: Khi thoa lên da, thì lượng chì này sẽ được hấp thu vào máu và sau đó đến các cơ quan nội tạng như hệ thần kinh, xương khớp… chứ không phải là nằm ở tầng sâu của da và gây ra sạm nám như cách chúng ta hay nghĩ.

Chẩn đoán dư chì bằng cách nào?

Người ta xét nghiệm máu và dựa vào nồng độ chì trong máu để chẩn đoán tình trạng ngộ độc chì. Các xét nghiệm khác giúp hỗ trợ chẩn đoán, bao gồm: chụp X-quang và sinh thiết tủy xương (vì chì thường lắng đọng ở xương).

Thải độc chì bằng cách nào?

Khi cơ thể bị nhiễm độc tố kim loại nặng nói chung và nhiễm độc tố chì nói riêng, việc loại bỏ nó ra khỏi cơ thể là việc có thể làm được, nhưng cần kỹ thuật khó và phức tạp.

Bước đầu tiên của điều trị là xác định nguyên nhân vì sao nhiễm độc chì (ví dụ: do thực phẩm, do nguồn nước, hay do mỹ phẩm…) rồi cách ly bản thân khỏi nguyên nhân đó.

Nếu việc ngộ độc chì mới xuất hiện và đến từ việc ăn uống, thì có thể cho người bệnh uống than hoạt tính (hoặc EDTA) để kết hợp với chì có trong đường tiêu hóa, để sau đó thải ra ngoài qua phân. Tình trạng nặng thì cần phải lọc máu và chạy thận nhân tạo. Tóm lại, việc điều trị ngộ độc chì không chỉ đòi hỏi phương tiện chuyên dụng, mà người điều trị cũng phải là một bác sĩ hoặc chuyên viên được đào tạo bài bản và đã được cấp chứng chỉ.

cham-soc-hut-chi-thai-doc-thanh-loc-trang-sang-da

Trở lại với câu chuyện hút chì trên da

Hút chì trong 1 – 2 năm trở lại đây là một dịch vụ khá ăn khách trong ngành chăm sóc sắc đẹp và được đông đảo chị em ưa thích rủ rỉ nhau cùng đi để điều trị sạm nám và giúp làn da luôn “sạch”. Và không rõ từ khi nào, nhiều thẩm mỹ viện bắt đầu gán cho bệnh nhân sạm nám da nguyên nhân “Do làn da của chị bị tích tụ độc tố chì, nên không hút chì thì không bao giờ chị hết nám được đâu”. Nhưng theo y văn hiện đại, nám sạm là do sự gia tăng các sắc tố melanin ở dưới da, vì thế về mặt lý thuyết, việc hút chì để điều trị sạm nám là không có cơ sở khoa học.

Giả như là sạm nám đúng thực là do anh chì, ảnh nằm lỳ dưới da từ ngày này qua tháng khác, thì việc “hút chì ra khỏi da” vẫn là một khái niệm không tồn tại trong lĩnh vực y tế và thậm chí được xem như là một yếu tố gây cười khi giới chuyên môn da liễu và thẩm mỹ nói chuyện với nhau. Vì sao? Vì đó là điều không – thể – làm – được.

Chưa xét đến việc thải độc chì được áp dụng tại các spa không phải do bác sĩ thực hiện, mà hầu hết là do kỹ thuật viên được kháo tai truyền miệng nhau, thì dụng cụ được dùng để hút chì trên da cũng muôn phần giản đơn. Đó là các loại máy có áp suất cao giúp lỗ chân lông giãn nở ra. Đồng thời, các máy này làm sạch dưới lỗ chân lông và bã nhờn, các chất bẩn. Cơn sốt hút chì mạnh đến nỗi chúng tiếp tục lan vào các sản phẩm chăm sóc da tại nhà như: mặt nạ hút chì, mặt nạ thải độc, kem dưỡng thải độc sáng da… Về bản chất thì tất cả những sản phẩm trên đều mang tính tẩy tế bào chết và làm sạch da sâu mà thôi.

Phòng ngừa nhiễm chì bằng cách nào?

Tốt nhất, là bỏ qua các mỹ phẩm có màu nhiều: Nếu bạn muốn tránh chì trong mỹ phẩm, có lẽ bạn cần cân nhắc bỏ qua các loại mỹ phẩm có màu hoặc là các loại kem làm trắng nhanh. Ví dụ như: phấn mắt, các loại son đỏ son lỳ (càng lỳ càng nhiều chì nhé các bạn), mascara, sơn móng, hoặc bạn chắc rằng sản phẩm của bạn sử dụng màu từ thực phẩm (ví dụ: son từ củ dền, quả gấc…).

Mua từ một công ty dược mỹ phẩm có tiếng tăm: Tôi thường bỏ qua hầu hết các loại mỹ phẩm được quảng cáo trên tivi báo đài, mà tìm đến với các loại dược mỹ phẩm. Vì tôi biết rằng các tiêu chuẩn để sản xuất mỹ phẩm dễ dãi hơn rất nhiều so với một sản phẩm dược mỹ phẩm.

Các phương pháp khác: bao gồm

Sử dụng thiết bị lọc nước hoặc uống nước đóng chai để hạn chế lượng chì từ nguồn nước giếng và nước máy chưa qua xử lý.

Rửa đồ chơi và bình trẻ em thường xuyên vì đồ chơi trẻ em cũng có khá nhiều chì.

Sử dụng sơn không chì trong nhà bạn.

BS Anh Thư

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN