Xuân & Thiền

Vòng quay thời gian ban thưởng cho loài người những khoảnh khắc của mùa Xuân, mùa tươi đẹp nhất. Sự khởi đầu thường cho chúng ta nhiều hân hoan háo hức và dĩ nhiên cũng ắp đầy hy vọng.

1. Xuân và tuổi trẻ luôn là ao ước miên viễn của một đời người, bởi mỗi lúc chúng ta lại càng xa Xuân hơn, tít tắp. Năng lượng sống thì phải luôn được nạp đầy, đặc biệt với mùa Xuân, ai cũng xem như là một dịp cực kỳ quan trọng để tìm về với một bắt đầu mới tốt đẹp hơn.

Liệu có ai cầm được mùa Xuân trong tay trước ngọn gió thời gian vùn vụt cuốn? Có ai níu giữ được Xuân mãi ở lại bên cạnh khi đang chất chồng quanh mình ngổn ngang trăm mối lo toan. Mùa xuân và tuổi trẻ luôn được ví von như đôi bạn song hành nhưng làm gì có ai trẻ mãi! Chợt nhớ hai câu thơ trong bài kệ của thiền sư Mãn Giác (đời nhà Lý):

“Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai”

Tạm dịch:

Chuyện đời trôi trước mắt
Tóc trên đầu đã phai

Ta, mỗi ngày, đã bị đời sống đánh cắp, hoặc vô tình mà tự đánh mất đi sự an nhiên, tĩnh tại vốn dĩ là nguồn cung cấp năng lượng sống. Nhưng may mắn thay, tạo hóa không lấy đi của loài người bất cứ thứ gì một cách vô lý cả. Mùa của năng lượng mới, của khởi đầu, của tốt tươi lại đến. Gần như tay với được, nhưng sẽ xa muôn trùng nếu để cơ hội qua đi. Mùa Xuân thì như thế, nhưng tâm thế nào đưa ta đến gần hơn với mùa Xuân và nhận được nhiều tốt đẹp nhất. Ta phải làm gì để giữ được mùa Xuân, theo ý nghĩa gần và tương đối nhất?

Xuân & Thiền
Lặng yên như mặt nước, ôm hết cả bầu trời vào lòng mà thản nhiên như không – như có – đó là Thiền

Có phải là mùa Xuân có một mối tương quan gắn khít với Thiền hay không? Thế thì Thiền là gì mà đôi bàn tay ảo diệu vô hình kia có công năng níu giữ mùa Xuân lại với chúng ta, mang lại cho chúng ta hạnh phúc, nụ cười an nhiên như luôn bắt đầu cái mới? Thử nghe họa sĩ KimB nói về Thiền một chút:

” Tôi bận rộn, nhiều gánh nặng từ gia đình, công việc… nên áp dụng những điều mình học được từ Thiền vào cách sống và hành xử với cuộc đời chung quanh có tính… linh hoạt!

Cuộc sống của mình nhẹ đi khi nỗi đau, bất hạnh đến, và cũng không quá dồn dập háo hức với những quà tặng của cuộc đời! Tôi ứng dụng nó như một quan niệm sống riêng của mình mà đôi khi không biết mình có đi… sai quá hay không! Chỉ biết rằng từ khi biết đến Thiền, không còn niềm vui, nỗi buồn nào có thể làm tôi chao đảo hay suy sụp đến hao mòn người như trước kia được nữa.

Tôi luôn mang theo các em học sinh của mình cùng đến Thiền viện và hay nói chuyện với họ về quan điểm của tôi về Thiền: thấm hiểu và chuyển hoá được Thiền vào cách sống, điều chỉnh nhận thức và hành vi, mới là quan trọng”

“Bắt đầu một năm mới của tôi mà đến được Thiền viện, hay làm được một cuốn sách Thiền, hoặc đưa được một ai đó đến với thế giới Thiền, thì đó chính là niềm vui lớn nhất”

Nữ họa sĩ Kim Lan, thường ký tắt là KimB, hiện đang dạy khoa thiết kế ở MAAC VIET ARENA, cũng là tác giả thiết kế các bìa sách của thiền sư Pháp Thông –  Thiền viện Viên Không.  Chị “mang” tuổi trẻ đến với Thiền, cũng là cách mang Thiền lại với mùa Xuân, và mang mùa Xuân (sự mới mẻ) vào đời sống, cả hai ý nghĩa nhập một cho bước đi vào cuộc hành trình nghệ thuật của chính mình cùng các học trò.

Xuân & Thiền
Nữ họa sĩ KimB

2. Thiền có là cứu cánh cho đời sống tinh thần con người chúng ta thật sự hay không, là một câu hỏi mở. Cái tự nhiên, tịch lặng khởi đầu của mọi mầm sống, đó là Thiền. Khi hỏi, không cần trả lời, vì dù nói bất cứ điều gì với đáp án nào, cũng là sai. Tâm thức thiền vốn dĩ là tịch lặng và ở trong cái “đang là – như nó” không suy diễn. Chẳng phải câu đầu tiên trong 4 câu ” mật ngữ” đầu tiên của Thiền đã nói hết điều đó hay sao!

” Bất lập văn tự… ”  vốn – đương – ở trong đó – không cần nói ra bất cứ điều gì cả. Chỉ “nhập” và “hành” mà thôi. Một tiếng chim hót, một chiếc lá rơi, một chuyển dịch của mùa đang đến, nếu ta “dừng lại” trong tâm thức của Thiền, sự cảm nhận sẽ dày và đẩy ta chạm vào “tâm” của sự việc một cách an nhiên tự tại.

Xuân & Thiền
Nhà văn, dịch giả trẻ – Hoàng Long

Nhà văn, dịch giả trẻ – Hoàng Long, đang dạy khoa Ngữ Văn và khoa tiếng Nhật trường đại học Sư phạm và đại học Hoa sen nói về Xuân và Thiền như sau:

Mùa xuân gợi nhắc cho con người ta về quy luật tuần hoàn. Trong sự đổi thay bất tuyệt có niềm vĩnh cửu thiên thu. Xuân qua Đông tới rồi lại Xuân. Cây cỏ đâm chồi nảy lộc, Xuân vẫn luôn mới mà vẫn cũ muôn đời. Đây mới là điều thú vị.

Người ta xem Thiền giả như kẻ nhảy xuống từ đầu sào trăm trượng, vượt qua muôn ngàn mũi tên ngọn giáo mới có thể trừng tâm và khai phóng nhân sinh.

Nếu không có phen rét thấu xương, sao có hoa mai nở ngát hương? Vì thế phải luôn đối diện đời trong sự tỉnh thức và tươi mới, với tâm trạng biết ơn. Khi không còn trăn trở thế nào là hạnh phúc thì đó mới chính là hạnh phúc vậy.

Như vậy, mùa Xuân, trong tâm thế như một Thiền giả chúng ta sẽ bước vào những ngày đầu năm mới một cách an nhiên, vững chải và chắc chắn chứ. Tôi nghĩ rằng những ai biết buông bỏ hẳn sẽ nắm bắt được cơ hội một cách chắc chắn và sáng suốt nhất. Bởi sự thành công thì luôn lấp ló đâu đó xa vời nhưng với một con người luôn sống với tỉnh thức thì hẳn đôi mắt sẽ rất sáng và nhìn thấy nó, ngay lập tức.

Trong cuộc mưu sinh đầy nguy cơ thất bại và đời sống vốn dĩ bấp bênh theo nghĩa vô thường thì giữ cho mình trong trạng thái luôn tỉnh thức chẳng phải là điều hay lắm ru? Muôn sự do tâm tạo, nếu ta khởi tâm làm một việc tốt, như gieo trồng một hạt giống tốt cho đời, chẳng phải ta sẽ nhận được thành quả tốt, cây trái tưng bừng hoa nở khắp nơi khi mùa Xuân đến, hay sao? Cuộc nối tiếp, diễn biến cũng sẽ nối tiếp khi ta luôn gặt hái điều lành chính là ta đã níu được mùa Xuân ở lại lâu hơn với mình và mọi người xung quanh ta đó.

Có khi ta chọn cho ta một không gian sống, một “cảnh” đời cho riêng ta, cũng chính là chọn sự an lành cho ta, cho mùa Xuân trong ta luôn có hoa có trái. Bất chấp đời sống kia quay cuồng điên đảo, bất chấp sự việc “ngoài kia” hay dở thế nào cũng không còn mảy may “động” vào tâm thức của ta, cũng là một thái độ sống. Dĩ nhiên là không hoàn toàn tách rời cuộc sống nhưng chính cái không gian Thiền và Xuân đang bao bọc quanh ta làm cho ta gần với “đạo” hơn. Thiên nhiên luôn ấp ủ nuôi nấng con người theo cách tự nhiên và an toàn nhất. Không phải hầu hết các cư dân sau một năm đổ về các thành phố lớn để sống và làm việc, dịp cuối năm lại quay trở về với làng quê, nhà cũ, rơm rạ, ruộng đồng, để nơi ấy sẽ thổi vào tâm hồn và cơ thể mình những luồng sinh khí mới hay sao? Quan trọng hơn, quay về với quê hương, nơi mình gắn bó, sinh ra từ nhỏ, cũng là quay về với sự khởi đầu, cho dù có lam lũ tới đâu, vẫn thấy an lành.

Xuân & Thiền
Nhà thơ, dịch giả Dư Thị Hoàn

Nhà thơ, dịch giả Dư Thị Hoàn đã tạo dựng cho mình một không gian rất Thiền, và cũng rất Xuân như thế ở Đà Lạt – trong khi trước đây chị sống và làm việc ở Hải Phòng. Chị nói:

Tất cả những khái niệm,chế định, những phạm trù đã, đang, và sẽ bị mất dấu vết hoàn toàn trên con đường tôi đang lựa chọn, còn ý định đặt chân tới Đà Lạt ư? Lại càng ngây ngô và khờ khạo đến khó tin! Tóm lại chỉ vì một câu trong cuốn tùy bút  “Mùi hương trầm” của tác giả Nguyễn Tường Bách: “Đà Lạt là Tây Tạng của Việt Nam đấy!” Thế thôi.

Quả là thú vị phải không? Sự buông bỏ, về với thiên nhiên, về với Xuân bất tận qua cách sống của chị đã làm đánh động biết bao nhiêu tâm hồn đang xáo trộn. Chỉ nghĩ tới thôi mà đã thấy thư thái, an nhiên vì một lối quay về…

Xuân & ThiềnDành những kỳ nghỉ lễ hoặc tranh thủ thời gian giữa bề bộn công việc để tham gia các lớp Thiền đang là xu hướng tịnh tâm của nhiều doanh nhân hiện nay. Tại chùa Nam Quang, Hội An, từ ngày 09/01/2016 đến ngày 13/01/2016 đã có khóa Thiền tập trung do Thiền Sư U.Ottamasara thuyết pháp. Thiền Sư U Ottamasara cũng từng là một doanh nhân trẻ thành đạt. Ông sinh ngày 26 tháng 10 năm 1969 tại bang Sagaing, Bắc Myanmar.
Năm 1986, tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh tại trường đại học Yangon với tấm bằng xuất sắc ông bước vào con đường kinh doanh. Sau năm 1999, công việc kinh doanh phải ngừng lại do tình hình kinh tế suy thoái, được một người bạn giới thiệu, ông bắt đầu tìm hiểu và thực hành thiền Vipassana tại Trung tâm Thiền Mogok và tham gia nhiều lớp tu Thiền khác. Năm 2002, ông đã từ bỏ tất cả công việc kinh doanh, tài sản của mình và thành lập tổ chức Wisdom Sharing với tên gọi “Từ Vô Minh đến Minh”.
Tổ chức này nhanh chóng trở thành một trong những nguồn cung cấp tư liệu về Vipassana quan trọng bậc nhất Myanmar và Thiền sư cũng trở nên nổi tiếng trong cộng đồng Phật tử cũng như cộng đồng các tôn giáo khác tại Myanmar.
Thiền Sư U Ottamasara đã đi thuyết pháp, giảng thiền tại các nước Singapore, Malaysia và Việt Nam.

 

Đình Nguyên (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN