Trung thu hiện đại có thật sự đáng chán và vô vị?

Trung thu ngày xưa, trẻ con xách lồng đèn ra xóm tụ tập “rước chị Hằng”. Trung thu ngày nay, mạng xã hội ngập tràn status: “Trung thu sao chán, không còn cảm giác đón trăng”. Ký ức về Trung thu ngày xưa vẫn còn nhưng những người trẻ như chúng tôi hôm nay cũng có thêm một Trung thu thật khác.

Mỗi bận thấy các sạp bán bánh trung thu bắt đầu “cắm dùi” hai bên vệ đường, đèn điện giăng sáng choang, những bảng thông báo “Mua nhiều tặng khủng” dựng la liệt bên lề đường, tôi biết “Lại một mùa Trung thu sắp đến”. Không biết từ lúc nào, các sạp bánh đã trở thành dấu hiệu của rằm tháng Tám.

lồng đèn

Bọn trẻ con thì ôi thôi đã chán chê với những chiếc lồng đèn làm bằng giấy dó, bên trong có nến cháy lung linh. Thay vào đó, các bậc phụ huynh thường chọn cho con mình những “chiến xa” lồng đèn bằng plastic nhiều màu, kèm đèn kèm nhạc vô cùng hiện đại.

Đón cỗ, đã xa rồi cái thời mà đêm rằm tháng Tám, các gia đình đều tề tựu bày mâm cỗ đón trăng. Dưới ánh sáng dịu dàng của “chiếc đèn” tròn vành vạnh được nàng thu treo lơ lửng trên bầu trời, người lớn nhâm nhi từng chiếc bánh nướng, nhấp từng ngụm trà thơm, đắng vị đầu nhưng ngọt hậu. Trẻ con trong xóm tôi, đứa nào cũng hí hửng cầm chiếc lồng đèn trên tay, đủ hình đủ dạng từ “sang chảnh” đến bình dân và cả hàng tự chế, nối đuôi nhau đi vòng khắp xóm, miệng ngân nga lời ca trung thu quen thuộc: “…em rước đèn đi khắp phố phường”.

img_20140906090757414

Cuộc sống lúc đó cũng đầy bận rộn nhưng có vẻ vẫn dễ thở hơn bây giờ. Tôi nhớ khi bọn nhóc tụi tôi chuẩn bị “tàn cỗ”, giải tán ai về nhà nấy, lúc ấy chú Tư hàng xóm mới xuất hiện nơi đầu ngõ, bước vội về nhà khi một bên tay là chiếc ba lô cũ xì màu rêu lính, bên còn lại là hộp bánh trung thu. Lúc giọng mẹ hối thúc tôi ra sàn nước rửa chân trước khi đi ngủ, nhà chú mới sáng đèn, lục đục dọn bàn ra sân bày cỗ đón trăng. Bọn trẻ con nhà bên ấy chắc cũng đã chui vào mùng từ đời nào, chỉ còn mỗi tiếng lào xào từ những người lớn.

Vậy đó, nhiều người bận lắm cũng kịp mua hộp bánh về thắp nhang bàn thờ ông bà, ngồi lại dăm ba phút trò chuyện, hỏi thăm và nhanh chóng dọn cỗ tàn đêm tiệc. Đâu phải tự nhiên mà Trung thu được đặt cho cái tên “Tết đoàn viên”. Còn ngày nay, đôi khi Trung thu chỉ là một cái cớ để lớp trẻ đi chơi, tụ tập bạn bè và người lớn, nhất là các anh các chú thường nâng ly chúc mừng “tiệc đoàn viên” trong các nhà hàng, làng nướng. Và dường như, Trung thu ngày nay cũng là dịp để mọi người đổ ra đường thay vì quây quần ở nhà cùng người thân như ngày xưa cũ.

banh-trung-thu-sp2-c864b

Nói như vậy không có nghĩa là trung thu hiện đại không bằng ngày xưa. Công bằng mà nói thì tôi nghĩ mỗi người nên chấp nhận dòng chảy của thời gian vì mỗi thời mỗi khác.

Các bạn trẻ như tôi cũng đã có những mùa Trung thu hiện đại vô cùng ý nghĩa khi gắn liền “Tết đoàn viên” với các hoạt động thiện nguyện. Tin tức về các chuyến đi tổ chức lễ Trung thu cho trẻ em nghèo, trẻ khuyết tật hay bệnh nhi thường xuyên được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, trong những câu lạc bộ hay hội nhóm. Hoạt động cũng không có gì nhiều. Họ chủ yếu đến các mái ấm, nhà mở, bệnh viện để phát bánh kẹo, đèn lồng và hát hò vui chơi với các em. Có nhóm thì kêu gọi quyên góp rồi hẹn nhau tập trung để gói quà. Những món quà to to, được gói ghém cẩn thận, sẽ được các bạn trẻ đi phát cho trẻ em lang thang với mong muốn trao cho các em chút không khí ngày lễ.

“Hiện đại” cũng hiện diện trong cả các loại bánh trung thu được bày bán. Bánh xưa thường chỉ có nhân thập cẩm hay đậu xanh với trứng muối. Một hộp bánh đầy đủ sẽ có thêm cái bánh dẻo trắng phau phau. Bây giờ thì phải nói là đủ nhân đủ vị. Vị mặn có thêm vịt, heo quay rồi bào ngư vi cá. Vị ngọt thì gom đủ loại trái cây thơm ngon. Rồi những chiếc bánh trung thu rau câu vừa rẻ, vừa ngon, vừa lạ miệng tiếp tục xuất hiện trên thị trường như một định luật tất yếu về sự sáng tạo là sống còn, khi mà quá nhiều thương hiệu bánh cạnh tranh, mình không nổi bật, chắc chắn sẽ bị đánh bật.

Trong ký ức của người lớn tuổi, Trung thu phải có bánh, có trà, có người lớn quây quần, có trẻ con ca hát. Tuy nhiên hiện nay và vài năm sau nữa, tôi nghĩ những đứa trẻ thời hiện đại thế hệ mai sau sẽ nhớ về lễ Trung thu với các trò chơi dân gian tại hội chợ hoặc công viên, các chương trình ca nhạc và kịch thiếu nhi về chú Cuội chị Hằng trên các đài truyền hình hay ngoài sân khấu, cùng những chiếc đèn đủ hình dạng, xoay xoay và phát nhạc vui tươi. Chí ít, các em cũng có những ký ức đẹp về ngày Trung thu như một lễ hội dành cho thiếu nhi thật sự.

Vậy đó, Trung thu mỗi thời mỗi khác. Không thể nói như thế nào là tốt, thế nào là xấu. Thật lòng mà nói, nhiều khi đọc những bài tản văn viết về những mùa Trung thu đã cũ, tôi thèm lắm không khí ấm áp cùng những thứ giản dị mà gần gũi của ngày xưa. Nhưng rồi nhìn lại, thời này cũng không phải chỉ có cái dở. Chỉ cần mỗi năm Trung thu về, thấy trẻ em vẫn được người lớn dẫn đi chơi, người người còn vẫn hối hả mua bánh để biếu nhau dù trong mục đích nào đi chăng nữa, những bạn trẻ còn biết sẻ chia với cộng đồng, nhóm thiện nguyện vẫn tích cực hoạt động, lâu lâu có vài loại bánh lạ ra đời và những lồng đèn khổng lồ rực rỡ vẫn còn tô điểm phố phường, tôi tự nói mình: Trung thu vẫn còn đây.

“Trung thu hiện đại sẽ không vô vị nếu bạn biết cách đón cỗ một cách ý nghĩa cho riêng mình”.

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN