Tái xuất virus hiếm gặp lây từ người sang người

Virus Chapare tái xuất hiện tại Bolivia sau 15 năm, có khả năng lây lan qua dịch cơ thể. Ba trong số 5 người nhiễm virus tử vong.

Thông tin được các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Y khoa Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ (ASTMH), ngày 17/11.

Theo báo cáo, virus Chapare lần đầu xuất hiện tại tỉnh Chapare, Bolivia, năm 2004, gây sốt xuất huyết giống virus Ebola. Song, virus này nhanh chóng biến mất.

Tới năm 2019, giới chức y tế khu vực cận thủ đô La Paz báo cáo 5 ca nhiễm Chapare, trong đó ba người là nhân viên y tế được cho là lây virus từ bệnh nhân họ điều trị. Một bác sĩ nội trú nhiễm virus trong quá trình lấy nước bọt bệnh nhân. Anh là một trong ba ca tử vong được ghi nhận. Một nhân viên cứu thương cũng nhiễm bệnh sau khi hồi sức cho bác sĩ nội trú này.

Đây là những bằng chứng cho thấy virus Chapare lây từ người sang người. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo nhân viên y tế trong khu vực La Paz đề cao cảnh giác, người dân nên tránh tiếp xúc với dịch cơ thể của các trường hợp nghi nhiễm.

Người nhiễm virus Chapare có các triệu chứng gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể, buồn nôn, chảy máu chân răng, theo nhà virus học Maria Morales-Betoulle, làm việc tại CDC. Bà và các đồng nghiệp từng cho rằng bệnh do virus sốt xuất huyết gây ra.

s1Hình ảnh hiển vi của virus Chapare. Ảnh: CDC

“Ở Nam Mỹ, khi phát hiện các ca nhập viện với triệu chứng trên, người dân ngay lập tức nghĩ tới virus dengue gây sốt xuất huyết thay vì virus Chapare”, Betoulle nói. “Nhưng nếu coi đó là sốt xuất huyết, bạn sẽ không tìm được hướng điều trị cho căn bệnh này”.

Khi nhóm nghiên cứu tại Bolivia phát hiện căn bệnh giống sốt xuất huyết là một bệnh lạ, họ gửi mẫu bệnh phẩm tới phòng nghiên cứu của CDC. Với khả năng giải trình tự gene tiên tiến, các nhà khoa học xác định virus Chapare là nguyên nhân gây bệnh. Sự tái xuất của Chapare sau 15 năm là một bất ngờ với phòng thí nghiệm.

Daniel Bausch, chủ tịch chương trình khoa học tại ASTMH cho biết so với nCoV, Chapare có tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn, chủ yếu qua dịch thể người bệnh nặng. Đối tượng dễ nhiễm virus là người tiếp xúc gần bệnh nhân, như nhân viên y tế, người thân.

Ngoài ra, virus Chapare chỉ xuất hiện tại một số vùng nhất định. Vật chủ là chuột gạo. Loài chuột này sống tại một số khu vực Nam Mỹ. “Không cần lo lắng virus Chapare sẽ làm bùng phát một đại dịch mới, hay một ổ dịch lớn”, Bausch nhấn mạnh.

Các nhà khoa học thế giới nhanh chóng phát triển bộ kit xét nghiệm PRC giúp chẩn đoán bệnh trong tương lai.

Betoulle đánh giá cao phản ứng nhanh chóng của các nhà khoa học và giới chức y tế Bolivia trước sự xuất hiện của virus Chapare.

“Việc phát triển bộ kit từng mất tới 5 năm, bằng thời gian để một tiến sĩ hoàn thành đề tài nghiên cứu”, Bausch nhận định. “Bây giờ, các nhà khoa học hoàn thành dụng cụ xét nghiệm với tốc độ đáng kinh ngạc. Khả năng phản ứng với dịch bệnh đã thay đổi đáng kể, phát hiện mầm bệnh không còn là một thử thách lớn”.

Nguồn: Business Insider

Lê Hằng (Theo VnExpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN