Vì sao ăn trái cây làm tăng nồng độ cồn trong khí thở?

Vải, dâu, nho, sầu riêng… đều có thể khiến hơi thở của bạn chứa nồng độ cồn sau khi ăn.

Mới đây, thí nghiệm thử nồng độ cồn sau khi ăn trái cây khiến nhiều người hoang mang vì lo sẽ vi phạm luật an toàn giao thông dựa trên Nghị định 100, áp dụng từ 1/1/2020. Theo đó, nếu bạn ăn một số loại trái cây quen thuộc như nho, vải, sầu riêng, chuối… thì trong hơi thở sẽ chứa cồn và máy đo nồng độ của cảnh sát có thể phát hiện ngay lập tức, gây hiểu lầm. Nguyên nhân là những loại trái cây này có hàm lượng đường cao nên dễ bị lên men, nhất là sau khi hái mà để lâu trong môi trường bên ngoài.

Vải là một trong những loại quả được nhiều người ưa chuộng nhưng dễ bị lên men
Vải là một trong những loại quả được nhiều người ưa chuộng nhưng dễ bị lên men

Bên cạnh đó, một số cách chế biến món ăn sử dụng bia, rượu để hấp, hầm cho hương vị ngon, hay món bò nhúng giấm thì thêm bia vào mới đúng điệu… Lúc thưởng thức, bạn vẫn ngửi được mùi thơm của rượu hay hương đặc trưng của bia trong món ăn. Do đó, nếu ăn nhiều, hơi thở của bạn cũng có thể chứa cồn, tương tự như khi ăn trái cây.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng cồn trong trái cây tươi hay thức ăn nấu chín thường rất thấp, khó có thể làm người có cơ địa bình thường say, cũng không đủ hấp thụ vào máu mà nhanh chóng chuyển hóa trong cơ thể. Vì thế, bạn không phải lo bị phạt nồng độ cồn nếu lỡ ăn nhiều trái cây ngọt. Ngoài ra lượng cồn hoa quả mang lại sẽ bay nhanh hơn bia rượu nhiều lần. Nếu bị nghi ngờ, bạn có quyền giải thích nguyên nhân, kiểm tra lại lần nữa để có kết quản chính xác hơn. Ngoài ra, trong quá trình tuyên truyền thực hiện luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được. Những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì không phải là đối tượng xử phạt.

Cách đơn giản để nhận biết các loại trái cây dễ lưu lại nồng độ cồn là bạn dựa vào danh sách những loại trái cây có thể làm rượu như táo xanh, dâu, vải, dứa, xoài… bởi theo lý thuyết của ngành sản xuất rượu, bất cứ loại quả nào chứa nhiều đường đều có thể lên men, không chỉ riêng nho.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo đó, với mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất, người đi xe đạp sẽ chịu mức phạt 400.000 – 600.000 đồng; người đi xe máy bị phạt 6 – 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 – 24 tháng; người đi ôtô bị phạt 30 – 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 – 24 tháng.

Theo Vi Yến (ngoisao.net)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN