Điều gì khiến người vợ ở Bình Dương sát hại chồng, phi tang xác?

Những vụ người thân, đặc biệt là vợ chồng sát hại nhau luôn là nỗi ám ảnh dư luận, bởi sự mất nhân tính, tàn bạo của hung thủ. Mới đây nhất, vụ người vợ bị nghi là thủ phạm giết chồng, rồi chặt xác ra làm nhiều mảnh để phi tang ở Bình Dương khiến dư luận một lần nữa bàng hoàng.

Ám ảnh vợ giết chồng

Theo thông tin ban đầu, người vợ này có tên Hoàng Thị Hồng D (32 tuổi, quê Hậu Giang). D đã chém chết chồng rồi chặt xác ra làm nhiều mảnh mang đi phi tang. Vụ việc được phát hiện vào tối ngày 17/12, khi một người đàn ông phát hiện nhiều bao nilon màu đen được bỏ trong một thùng rác trên đường Thuận Giao 05, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương. Khi người này nhấc bao rác lên thì phát hiện một phần thi thể người nên tá hỏa tri hô. Qua thông tin tố giác tội phạm từ quần chúng, công an mời D lên làm việc và đối tượng đã thừa nhận hành vi của mình.

4

Nhận định về hành vi nghi giết chồng của người vợ ở Bình Dương vừa xảy ra, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, nguyên nhân cụ thể thì phải chờ cơ quan điều tra xác nhận. Tuy nhiên, qua lời khai của nghi phạm đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin thì hành vi giết chồng của D là hành vi phòng vệ khi bị chồng tấn công bằng cách cầm dao dọa giết. Còn hành vi chặt xác chồng để phi tang diễn ra sau khi nạn nhân đã chết là do sợ hãi khi sợ bị phát hiện.

Nhìn nhận ở góc độ đạo Phật, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ cho rằng, một người bình thường là hiền lành khi vướng vào 3 tâm độc: Tham, sân, si thì vẫn có thể dẫn tới hành vi tàn độc là giết người.

Trong bài giảng “Nên sợ điều gì”, Sư cô Thích Nữ Tâm Tâm, giảng viên Phật học giảng về Vi diệu Pháp cũng cho rằng, tham, sân, si là 3 loại tâm độc có thể khiến con người làm những việc không thể tưởng tượng nổi. Cách đây không lâu, câu chuyện về một thanh niên đi nhậu về muốn ăn bát mì nên đã sang nhà bà hàng xóm trộm rau chẳng hạn. Nhưng khi mới mở cánh cổng thì người thanh niên đã bị bà già phát hiện. Anh này xin bà là đừng nói gì với ai. Nhưng bà vì ở một mình, con cháu đều ở xa, hơn nữa cũng đã từng bị mất khi thì quả xoài, khi thì bị vặt rau nên bà đã quyết tâm làm lớn chuyện. Bà bảo bà không im lặng mà sẽ nói với con cái bà để con cái bà xử lý. Anh này ra về, nằm ôm trán nghĩ. Càng nghĩ càng sợ chuyện trộm rau của mình bị lộ ra thì xấu hổ. Cuối cùng, vì nỗi sợ đó cộng thêm sự thúc đẩy của chút men trong người, anh này đã ra tay sát hại bà cụ.

Đừng để “tâm độc” dẫn dắt

Quay trở lại vụ việc người vợ sát hại chồng ở Bình Dương, quá trình phạm tội được chia ra làm hai hành vi riêng biệt bị thúc đẩy bởi hai nguyên nhân khác nhau. Một là, hành vi cầm dao chém chồng. Hành động chém chết chồng là bị thúc đẩy bởi tâm sân và một phần tâm si. Tức giận vì chồng dọa chém mình và tâm si mê vì sợ bị giết chết. Một phần vì tức chồng, một phần là do tự vệ vì người chồng cầm dao dọa chém mình. Bản chất của hành động này là do tâm lý phòng vệ. Hai là, hành vi chặt xác chồng để mang đi phi tang được thúc đẩy bởi tâm si mê. Si mê vì do sợ bị phát hiện.

Cùng trong bài giảng “Nên sợ điều gì”, Sư cô Tâm Tâm cho rằng, với người Phật tử thì giới sát sinh là giới quan trọng nhất. Thế nên khi biết sợ phạm giới, người Phật tử sẽ tránh được những hành vi gây tổn hại đến mạng sống của chúng sinh khác, trong đó có con người. Nếu một người sợ phạm giới sát sinh thì họ không bao giờ có hành vi tàn bạo như… giết người. Còn khi không sợ sát sinh thì bất cứ ai cũng có thể bị 3 tâm độc là sân hận, si mê, tham ái dẫn dắt, điều khiển.

Với vấn đề này thì TS tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, nhiều phụ nữ bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng khi cuộc sống bí bách về kinh tế, con cái bệnh tật liên miên, bị chồng bạo hành, chồng có bồ, chồng đòi ly hôn… Phụ nữ thường có hai cách để đối diện với việc này. Một là, chấp nhận cuộc sống bế tắc như vậy vì danh dự, vì con cái. Hai là, làm theo cách riêng của mình nhưng nghiêng về cách tiêu cực là phổ biến. Vì vậy, những người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ ruột, các anh chị em ruột của nạn nhân phải thường xuyên gần gũi nắm bắt được diễn biến tâm lý của họ như: Không ngủ, phiền muộn kéo dài, ủ rũ… để có biện pháp trấn an tâm lý kịp thời, đồng thời cũng phải có những biện pháp phòng ngừa, giám sắt chặt chẽ mọi hành vi của nạn nhân, nhất là ở các vùng thôn quê để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Theo Giadinhnet

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN