Ngày 20/11 ở “ngôi trường” không có bục giảng mang tên Hy Vọng, cô chỉ mong trò chúc vẹn tròn một câu

16 cô giáo ở trung tâm Hy Vọng là 16 câu chuyện khác nhau khiến họ gắn bó với việc dạy dỗ cho những học sinh đặc biệt. Nhưng lý do chung nhất, rất đơn giản chỉ bởi vì “thấy thương lũ trẻ thiệt thòi” mà thôi!

Nằm sâu và ngoắt ngéo trong một con ngách nhỏ trên đường Kim Mã có một trường học rất đặc biệt mang tên “Trung tâm Hy Vọng”. Con ngách vào trường nhỏ đến mức 2 chiếc xe máy phải đi ý tứ lắm mới tránh nổi nhau, nhưng từ năm 2002, với nhiều phụ huynh và đứa trẻ đặc biệt, đường tới Hy Vọng đã là một hành trình quá đỗi quen thuộc.

1

Con đường dẫn đến Hy Vọng cũng là một phần gắn bó với 16 giáo viên của trung tâm. Có những cô giáo đã gắn bó với con đường này 15 năm, từ khi trung tâm bắt đầu được thành lập. Họ quen đến độ thuộc lòng toàn đoạn phình, khúc lõm của con ngách.

2

Tại Trung tâm Hy vọng, mục tiêu và tâm huyết của các các giáo viên chỉ đơn giản là để giúp trẻ có khả năng phục vụ bản thân. “Chỉ mong những trẻ không biết nói sớm biết nói, những trẻ không hợp tác trở thành hợp tác và sớm được hòa nhập cộng đồng, giảm thiểu gánh nặng cho gia đình và xã hội” – bà Đỗ Thuý Nga – nhà giáo, bác sĩ kiêm giám đốc Trung tâm đã trải lòng như thế.

4

Công việc các giáo viên ở đây vì thế khác biệt hoàn toàn so với các đồng nghiệp ở trường học thông thường. Một ngày của họ bắt đầu bằng đón trẻ từ 7 giờ 30 sáng, dạy dỗ trông nom, cho ăn, cho ngủ, dạy ca chiều rồi trả học sinh từ khoảng 4 giờ. Trong suốt ngần thời gian ở lớp ấy, thời gian duy nhất các cô được nghỉ ngơi là buổi trưa, đó là khi học sinh phải ngủ hết, còn nếu không các cô lại phải thức trông trẻ.

5
Hầu hết giáo viên ở trường không có cơ hội cầm phấn viết bảng, bởi cả trường chỉ có duy nhất lớp A1 là học sinh có khả năng học được văn hóa. Các cô giáo cũng không đứng trên bục giảng mà ngồi lẫn với học sinh, lắm khi ngồi bệt xuống sàn. Việc của các cô không chỉ là hướng dẫn các em đọc, viết mà còn luyện cho các em cách tập trung, cách nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện, tự đi vệ sinh, luyện cách cầm thìa ăn cơm… Toàn những kĩ năng của trẻ 2 – 3 tuổi nay được các cô kiên nhẫn rèn cho những đứa trẻ mười mấy tuổi đầu.

5

Với những đứa trẻ bình thường, việc dạy dỗ cũng đã cần rất nhiều sự kiên trì, đối với những đứa trẻ đặc biệt, lòng kiên trì ấy càng tăng gấp bội. Bởi vài con số đếm, một bài thơ vài câu với các bé đều cần tốn công hơn trẻ bình thường. Để giúp trẻ tiếp thu dễ hơn, giáo viên phải xem xét tình hình từng em, chuẩn bị tiết học một cách tỉ mỉ, luôn phải sử dụng tranh ảnh, mô hình để minh họa khi dạy để trẻ không bị chán và dễ hợp tác.

6

Mỗi lớp chỉ có từ 8 đến 20 học sinh, nhưng các cô giáo luôn tất bật. Dường như trong những lớp học đặc biệt này, các cô không thể lơi lỏng việc mắc những chiếc ra đa thường xuyên quan sát, nhắc nhở và hướng dẫn các bé. Như hôm ấy, tôi chỉ ở lại “lớp thiệp sớm” khoảng 30 phút mà cũng đủ thấy nể với cách cô phân chia nhau hướng dẫn các bé xâu dây để tăng cường sự tập trung, dạy bé đọc, kiểm tra bé tập tô hay kiên nhẫn “đấu trí” với cậu học sinh út ít nhất trường đang ra sức ăn vạ để rèn cho bé biết nói câu “ạ” trước khi uống sữa.

7

Chỉ cần nhìn cảnh tượng trước mắt, cách các cô chăm sóc nhưng đứa trẻ trong lớp mình, sẽ thấy ngay được sự kiên nhẫn và trên hết cả là tình yêu cho trẻ. Bởi nếu không yêu, chẳng ai có đủ kiên nhẫn cho những điều tỉ mẩn ấy.

8

16 giáo viên của trung tâm Hy Vọng là 16 câu chuyện khác nhau. Có cô mới 24 tuổi, có cô đã 66 tuổi, họ đến với ngôi trường và những học sinh đặc biệt này vì những cái duyên, sự đưa đẩy bất ngờ nhưng tất cả đều có điểm chung là tình yêu với trẻ và sự kiên nhẫn. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu bà Đỗ Thuý Nga đặt ra khi tuyển dụng giáo viên.

9

Giáo viên ở đây chẳng những thuộc tên trẻ trong lớp mình mà gần như thuộc tên học sinh cả trường. Hơn thế, các cô còn nắm rõ tình cách, sở thích, tình trạng bệnh của từng trẻ để có phương pháp giáo dục phù hợp. Bởi mỗi trẻ có một tính cách riêng, một sở thích riêng, có một phương pháp can thiệp riêng và giáo viên phải biết được cái đó mới mở được khóa, mới giúp được trẻ.

Yêu trẻ và nhẫn nại như vậy nhưng trong hành trình dạy dỗ cho trẻ, cô giáo nào cũng từng có chút nản lòng. Cô Hoa, một trong những giáo viên gắn bó với Trung tâm từ ngày đầu tiên kể rằng “Công việc áp lực, tính chị thì cầu toàn, hay tự tạo ra áp lực cho bản thân. Mỗi khi dạy được trẻ tiến bộ thì vui, nhưng nếu chúng tiến bộ chậm chị rất buồn. Khi đó, chính nhiều phụ huynh động viên chị, họ nói với chị, em còn xác định hành trình điều trị cho con là rất lâu dài, nên chị đừng suy nghĩ nhiều quá”.

11

Cô Na, giáo viên lớp A2 từng dạy tiểu học vài năm, có kinh nghiệp tiếp xúc với trẻ đặc biệt rồi mới thành giáo viên ở Hy vọng, nên cũng không quá bỡ ngỡ. “Tuy vậy cảm giác chán nản thì cũng có chứ. Rồi chính sự hồn nhiên ngây ngô của lũ trẻ khiến mình quên căng thẳng, quên đi cái khác biệt giữa chúng và những đứa trẻ bình thường. Hơn nữa, sự sự tỉ mỉ khi chăm trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ đến đi vệ sinh khiến mình càng thêm yêu thương, gắn bó với chúng, chẳng còn để tâm đến bất cứ cơ hội nào khác”.

12

Phục trang của họ hàng ngày cũng không thể là những chiếc áo dài điệu đà, những bộ quần âu, áo sơ mi đậm chất giáo viên mà là những bộ quần áo cotton màu xanh nhạt, gợi nhớ đến bộ quần áo của các hộ lý bệnh viện. Ừ, thì để chăm sóc lũ trẻ từ 7 giờ 30 sáng đến 16 giờ 30 chiều từ bữa ăn đến giấc ngủ, các cô đành đánh đổi những bộ váy điệu đà lấy bộ quần áo thoải mái, dễ vận động chứ biết làm sao.

Nghe người giáo viên dành 15 năm tâm huyết để giúp những đứa trẻ đặc biệt hòa nhập cộng đồng kể chuyện vô tự lự như thế, dẫu rằng chị cười, nhưng khóe mắt tôi rưng rưng.

13

Chúng tôi đến Trung tâm Hy Vọng khi chỉ còn 4 ngày nữa là đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đã sát ngày lắm rồi, nhưng mãi đến chiều hôm ấy, các cô mới phân công ra một vài người dành chút thời gian để tự cắt dán một tấm biểu ngữ “Chúc mừng 20/11″. Trong ngôi trường toàn giáo viên nữ ấy, họ lụi cụi tự đo, tự cắt, tự dán, tự treo tấm biểu ngữ đỏ rực như thể một món quà tinh thần để tự chúc nhau trong những ngày này.

14

Nói về ngày đặc biệt của chính mình và các đồng nghiệp, cô Na nói, vẫn bằng chất giọng lạc quan thường trực: “Những ngày này đa phần giáo viên đều được nghỉ nhưng bọn chị thì không. Thậm chí để tổ chức một buổi liên hoan cho các cô, bọn chị cũng không tập trung được, vì còn phải trông trẻ mà. Thế nên trung tâm dù vẫn có tiệc 20/11 nhưng các cô sẽ liên hoan theo kiểu chia nhau mang về lớp, vừa ăn, vừa trông lớp. Làm sao mà bỏ trẻ được”.

15

“Có lúc nào cô cảm thấy chạnh lòng khi 20/11, các trường khác tưng bừng trước cả tuần, thì ở Trung tâm, mọi thứ gần như chẳng khác gì không?”. Trả lời câu hỏi của tôi, các giáo viên ở Trung tâm bảo, việc chạnh lòng chắc chắc là có, bởi họ cũng có gia đình, có con, cũng sống chung trong không khí háo hức 20/11 của các con ở trường lớp của chúng. Nhưng bao nhiêu năm trong nghề, dần cũng điều chỉnh và dần quen.

16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26

Chia tay các cô, trò ở trung tâm Hy Vọng sau một ngày ở lại chứng kiến sự vất vả và kiên nhẫn “thượng thừa” của các giáo viên ở đây, đường trở về của tôi bỗng lặng đi vài nhịp. Những gì những cô giáo ấy âm thầm làm, những tảo tần, kiên nhẫn để mỗi năm có 3 đến 4 trẻ ra khỏi lớp can thiệp sớm, 1 đến 2 trẻ trưởng thành, có thể hoà nhập cộng đồng, có lẽ chẳng thể nói lời cảm ơn suông mà đủ. Tôi xin gọi họ là những người mẹ thứ 2 của những đứa trẻ này, bởi chỉ có trái tim của mẹ mới đủ kiên nhẫn, bao dung và yêu thương đến như thế mà thôi.

Theo Trí Thức Trẻ

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN