Làm dịu cơn rối loạn tiền đình

Tiền đình là bộ phận nằm phía sau ốc tai giữ vai trò điều chỉnh thăng bằng tư thế và phối hợp cử động mắt, đầu hay thân mình. Rối loạn tiền đình không phải là một bệnh mà là một hội chứng gây ra trạng thái mất thăng bằng tư thế làm cho nạn nhân chóng mặt, hoa mắt, ù tai và buồn nôn.

Triệu chứng

Các dấu hiệu bao gồm chóng mặt, có cảm giác mọi vật xung quanh đang quay, mất thăng bằng hay đứng không vững và buồn nôn. Cơn chóng mặt biến mất một thời gian và sau đó lăp lại. Các dấu hiệu khác nhau ở mỗi người, nhưng hầu như luôn luôn xuất hiện khi thay đổi vị trí đầu. Kèm theo dấu hiệu chóng mặt là các chuyển động bất thường của mắt, cặp mắt láo liên còn gọi là rung giật nhãn cầu (nystagmus).

Làm dịu cơn rối loạn tiền đình

Nguyên nhân

Có hai loại rối loạn tiền đình là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương. Rối loạn tiền đình ngoại biên thường biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế, làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt nhưng vẫn còn đi đứng được, cơn chóng mặt thường thoáng qua. Loại này xảy ra sau chấn thương đầu, tắc mạch máu vùng cột sống cổ, mắc bệnh viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, viêm đa xoang, dùng thuốc có độc tính trên thần kinh tiền đình như thuốc trị lao, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau và nghiện rượu.

Rối loạn tiền đình trung ương thường biểu hiện đi đứng khó khăn, chóng mặt nhiều, khó tập trung chú ý, mau quên kèm theo nôn ói. Loại này xảy ra sau tổn thương nhân tiền đình ở thân não và tiểu não khi động mạch nuôi bị tắc, mắc bệnh u não hay nhiễm siêu vi.

Giải phẫu sinh lý

Bên trong tai có một cơ quan nhỏ gọi là mê cung tiền đình bao gồm ba kênh bán nguyệt chứa chất lỏng và các sợi lông cảm biến giám sát vị trí của đầu. Ngoài ra còn có các viên sỏi li ti ở tai trong giám sát chuyển động của đầu như lên xuống, phải trái và tới lui. Vì lí do nào đó, các viên sỏi này lọt vào trong kênh bán nguyệt, khiến cho kênh bán nguyệt trở nên nhạy cảm với thay đổi vị trí của đầu đưa đến cảm giác chóng mặt.

Làm dịu cơn rối loạn tiền đình

Chẩn đoán

Rối loạn tiền đình thường xảy ra ở người lớn tuổi từ năm mươi trở lên, nhưng cũng xảy ra ở mọi lứa tuổi và phổ biến hơn ở phụ nữ hơn nam giới. Trong lúc khám bệnh, thầy thuốc tìm dấu hiệu chóng mặt và rung giật nhãn cầu tức là chuyển động không tự nguyện của đôi mắt từ bên này sang bên kia khi nằm ngửa đầu quay sang một bên. Nếu nguyên nhân khó xác định, thầy thuốc yêu cầu làm xét nghiệm bổ sung như điện ký rung giật nhãn cầu ENG để phát hiện chuyển động mắt bất thường bằng cách sử dụng các điện cực nhằm đo chuyển động của mắt không tự nguyện trong khi đầu đặt ở các vị trí khác nhau. Thầy thuốc cũng cho chụp cộng hưởng từ MRI, sử dụng sóng từ để tạo ra hình ảnh cắt ngang đầu nhằm loại trừ các nguyên nhân khác gây rối loạn tiền đình như viêm đa xoang hay u não.

Điều trị

Thuốc men dùng điều trị chứng rối loạn tiền đình là thuốc an thần như Diazepam, thuốc chữa chóng mặt như Stugeron, thuốc trị nôn ói như Nautamin. Tùy theo nguyên nhân, có khi cần kháng sinh kết hợp với phẫu thuật như trong bệnh viêm tai xương chũm, viêm đa xoang hay u não. Để làm dịu cơn rối loạn tiền đình, thầy thuốc làm thủ thuật tái định vị sỏi trong mê cung. Thủ thuật này bao gồm một số thao tác nằm nghiêng đầu nhằm dẫn các viên sỏi li ti từ trong kênh bán nguyệt vào khu vực tiền đình, nơi các hạt này không gây rắc rối và dễ hấp thu. Trong trường hợp hiếm gặp làm tái định vị không hiệu quả, thầy thuốc đề nghị phẫu thuật ghép một mảnh xương con ngăn chặn các viên sỏi đi vào mê cung gây ra các cơn chóng mặt. Cũng có khi thầy thuốc phẫu thuật cắt bỏ mê cung (labirynthectomy) nhằm làm mất các tín hiệu đi về não gây rối loạn tiền đình. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật khoảng chín mươi phần trăm.

Bác sĩ  Đào Ty Tách
Phụ Nữ Ngày Nay

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN